29/03/2024 | 17:38 GMT+7, Hà Nội

6 tháng đầu năm 2018: Hà Nội không xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm

Cập nhật lúc: 17/08/2018, 13:01

Hiện Hà Nội có 18.140 cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Để quản lý được mạng lưới khổng lồ ấy, thành phố đã thực hiện một loạt các hành động hướng tới mục tiêu chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm…

Thực phẩm sạch luôn là ước mong của người tiêu dùng

Thực phẩm sạch luôn là ước mong của người tiêu dùng

Nhằm thống nhất việc phát triển và quản lý, tổ chức SX và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết, Sở NN-PTNT Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng các vùng SX an toàn theo chuỗi.

Đến nay Hà Nội đã hình thành 80 chuỗi, trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật thu hút 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 120 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SX thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tham gia.

Xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể là gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu được chứng nhận.

Mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt lợn, 1 tấn thịt bò, 15 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng và 80 tấn sữa tươi.

Hoạt động SX từng bước được kiểm soát, diện tích SX rau an toàn đạt trên 5.000ha trong đó 224ha VietGAP và gần 50ha rau hữu cơ, sản lượng ước đạt 350.000 tấn/năm, chiếm 58% tổng sản lượng rau của thành phố.

Thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 23 điểm kinh doanh thực phẩm. Tiến hành khảo sát 140 cơ sở nhằm xây dựng chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản bằng tem điện tử thông minh Qrcode để người tiêu dùng cũng có thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm sử dụng.

Khảo sát và hỗ trợ phát triển 2 chuỗi SXKD thịt, 2 chuỗi SXKD rau, 5 cơ sở xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm HACCP.

Thực hiện chương trình giám sát chất lượng an toàn nông lâm sản và thủy sản cùng đề án trái cây của thành phố, Chi cục quản lý chất lượng NLTS đã tiến hành kiểm tra và lấy 312 mẫu NLTS gồm 36 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gà, 44 mẫu thủy sản, 87 mẫu rau…Trong đó, 265 mẫu đã có kết quả, phát hiện 17 mẫu vi phạm, chiếm 6,42%, giảm 2,18% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhằm kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức lấy mẫu và thực hiện kiểm nghiệm nhanh 70 mẫu nước tiểu tại các cơ sở giết mổ động vật. Kết quả, 70/70 mẫu âm tính với chất Salbutamol.

Thanh kiểm tra luôn mang tính răn đe rất lớn. Thành phố đã thanh kiểm tra chất cấm, kháng sinh, thuốc thú y, thức ăn trong chăn nuôi với 23 cơ sở, phát hiện và xử lý 1 cơ sở vi phạm.

Thanh, kiểm tra thuốc BVTV, phân bón với 497 cơ sở, phát hiện 90 cơ sở vi phạm. Thanh kiểm tra chất lượng giống cây trồng, vật nuôi với 2 cơ sở.

Thanh, kiểm tra được 89 cơ sở SXKD nông lâm thủy sản, phát hiện 42 cơ sở vi phạm. Lý do vi phạm chủ yếu như không rõ nguồn gốc xuất xứ, người SXKD không có giấy khám sức khỏe, xác nhận kiến thức, không đảm bảo điều kiện bảo quản, vận chuyển, phạt tổng số hơn 400 triệu.

Lực lượng thanh tra Sở NN-PTNT đã tổ chức trinh sát, kiểm tra và phát hiện 1 cơ sở có hành vi đưa tạp chất vào tôm, tham mưu cho UBND TP xử phạt 94,5 triệu đồng.

Ngoài ra trạm thú y của 30 quận, huyện đã phối hợp với đoàn liên ngành quận huyện kiểm tra trên 3 lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, xử lý 617 trường hợp vi phạt, phạt tiền 666 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 4 tấn sản phẩm, buộc khắc phục hơn 1,1 tấn sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa.

Và trên hết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn của một thành phố hơn 10 triệu dân (dân số thực tế) đã không để xảy ra một sự cố mất an toàn thực phẩm nào thuộc ngành nông nghiệp quản lý.