3G 'nuốt' tiền của khách: Nhà mạng dùng đủ chiêu móc túi người dùng
Cập nhật lúc: 06/07/2015, 12:00
Cập nhật lúc: 06/07/2015, 12:00
Anh Lê Văn Tiến, nhân viên công nghệ thông tin trú tại (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Cách đây hai tháng anh thấy tài khoản trong điện thoại bị thâm hụt quá mức. Là người hay chơi game để giải trí nên tháng đầu anh Tiến đinh ninh do mình vô tình ấn vào dịch vụ trò chơi nào đó. Thế nhưng, đến tháng thứ hai anh vẫn thấy lạ vì mình chơi trò chơi offline (chơi game không cần mạng internet).
Trong quá trình chơi game anh đã tắt thiết bị kết nối mạng nên không thể có chuyện bị trừ tài khoản do chơi game. Hơn nữa, số tiền bị trừ lên đến 400.000 đồng/tháng là quá lớn. Đem hoài nghi đến tổng đài giải đáp thắc mắc của nhà mạng, anh Tiến nhận được câu trả lời: “Có thể do anh vô tình đồng ý sau một lần gửi tin từ nhà mạng hoặc do người nhà đã đăng ký nên anh không biết. Anh vui lòng kiểm tra lại giúp em” – nhân viên nhà mạng đáp lời.
Tuy nhiên, theo anh Tiến, điện thoại đã được cài mật khẩu nên không ai biết để mở máy. Gia đình anh có năm người (bà nội, vợ chồng cùng hai con nhỏ) cũng không có thói quen sử dụng điện thoại của người khác. “Mẹ tôi năm nay đã quá tuổi tứ tuần nên không biết dùng điện thoại. Hai vợ chồng dùng điện thoại có mật khẩu riêng. Hơn nữa, công việc bận rộn nên ít dùng đến điện thoại. Hai con còn nhỏ tuy biết dùng điện thoại nhưng không biết mật khẩu nên không thể sử dụng” – anh Tiến phân trần.
Cùng chung nỗi niềm, chị Lê Thị Hải Anh, (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) thổ lộ: Chị khá bức xúc khi mới tháng đầu đã bị trừ tiền mạng 3G thì tài khoản báo mức về “mo”. Về hỏi hai con gái nhưng các con của chị cũng nói rằng không dùng điện thoại. Bức xúc, chị nhờ chồng đến tổng đài nhà mạng thắc mắc thì cũng chỉ nhận được những câu trả lời tương tự: “Có thể do chị bật wifi nhưng sóng yếu nên sau nhiều lần như vậy máy sẽ tự động chuyển sang chế độ GPRS.
Chị vui lòng kiểm tra lại” – chị Hải Anh thuật lại câu trả lời của nhân viên tư vấn khách hàng trong trạng thái “bốc hỏa”. Không chỉ “được” tự động đăng ký GPRS, chị Anh cùng một số người bạn cũng phàn nàn về việc tự động đăng ký cuộc gọi chờ, thông báo cuộc gọi nhỡ.
Không những trừ dung lượng chóng mặt, khách hàng còn bức xúc vì có dung lượng miễn phí mà không được sử dụng.
Một khách hàng của Viettel ở Hà Nội phản ánh, “Mình đăng ký gói Mimax 70.000 đồng/tháng. Sau đó, mình có đăng ký gói gọi 750 phút và 750MB dung lượng truy cập miễn phí. Khi gói Mimax hết dụng lượng truy cập internet tốc độ cao, mình nhận được tin nhắn “gợi ý” mua thêm dung lượng.
Thắc mắc vì mình còn dung lượng miễn phí chưa sử dụng nên tôi đã gọi điện hỏi tổng đài. Sau đó một nhân viên của nhà mạng cho biết, do 2 gói cước khác nhau nên khách hàng không thể sử dụng số dung lượng miễn phí đó. Khi được hỏi tại sao không giải thích rõ ràng với khách hàng ngay từ đầu thì nhà mạng trả lời do thiếu sót. Rất bực mình nên sau đó tôi đã hủy sử dụng mọi dịch vụ của nhà mạng”.
Một chuyên gia về tin học tại TP.HCM đưa ra phép tính: Đối với các gói cước trọn gói (600 MB/tháng), sau khi sử dụng hết dung lượng cho phép thì tốc độ đường truyền 3G của cả 3 mạng MobiFone, Vinaphone và Viettel đều giảm xuống 32 Kbps. Đây là tốc độ rất thấp, thua cả đường truyền Dial-up bằng điện thoại bàn trước kia. Với băng thông này thì lướt web cũng đã khó chứ đừng nói đến xem video hay nghe nhạc.
Còn ở các gói cước có giới hạn, cả 3 nhà mạng đều áp dụng mức cước 25 đồng/50 KB cho những dung lượng bị dùng vượt mức. Tính ra giá cước này hơn 500 đồng/MB, cao hơn mức bình quân của khu vực ASEAN là 318 đồng/MB.Đối với trường hợp không đăng ký gói cước mà sử dụng theo dạng xài bao nhiêu tính bấy nhiêu thì giá cước còn cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, với mức giá công bố của các nhà mạng là 1,5 đồng/KB, mỗi MB sử dụng là 1.536 đồng (1 MB = 1.024 KB). Nếu dùng khoảng 500 MB (tương đương với gói thuê bao tháng) thì hết gần 800.000 đồng, cao gấp 5 lần giá cước 3G trong khu vực.
Với những gói thuê bao có dung lượng miễn phí chỉ 50MB hoặc 150 - 200 MB mỗi tháng thì việc lướt web, kết nối của khách hàng sẽ bị giới hạn rất nhiều. Chẳng hạn, gói dữ liệu 50 MB chỉ đủ cho người dùng đọc báo hoặc vào truy cập Facebook liên tục khoảng 1 - 3 giờ (tùy thuộc trang web có nhiều hình ảnh hay không)...
Tuy nhiên, thời gian gần đây ngay cả các gói thuê bao tháng cũng cạn dung lượng vùn vụt, nghĩa là đăng ký 70.000 đồng nhưng chỉ dùng được khoảng vài ngày là hết dung lượng 600 MB tốc độ cao, người dùng chỉ còn được dùng 3G với tốc độ rùa bò. Muốn sử dụng 3G tiếp tục thì buộc phải mua thêm gói với thời hạn sử dụng chỉ được đến cuối tháng. Như vậy, rõ ràng cước 3G tại VN không hề rẻ hơn khu vực như các nhà mạng vẫn thường nói.
Các thuê bao sử dụng dung lượng miễn phí như 50 MB hoặc cao hơn chút thì chỉ đủ để lướt web, đọc báo trong khoảng từ một đến năm giờ nhưng tốc độ đường truyền thì vô cùng chậm. Với những thuê bao nạp bao nhiêu dùng bấy nhiêu, con số có thể lên đến hàng trăm ngàn đồng.
Thực tế cho thấy khi nạp thẻ mệnh giá 20.000 đồng để dùng mạng 3G, người dùng chỉ có thể dùng lướt được không quá năm trang web có hình ảnh, với những chiếc thẻ mệnh giá 50.000 – 100.000 đồng, tốc độ đường truyền cũng không cải thiện được là bao. Với thẻ mệnh giá này, người dùng có thể xem được hình ảnh nhưng cũng sẽ hết tiền chóng vánh sau vài lần lướt web, đọc báo, còn chuyện xem video bằng 3G thì sẽ rất tốn kém.
Để không bị mất tiền oan bởi việc đăng ký tự động các dịch vụ thì người dùng nên chủ động tắt trình duyệt web, các ứng dụng cũng như tắt kết nối internet khi không dùng đến. Với những tin nhắn dịch vụ, người dùng có thể xóa nó ngay khi vừa đến hoặc chặn tin nhắn dịch vụ để không dẫn đến tình trạng vô tình ấn chấp nhận đăng ký dịch vụ./.
Chuyên mục Bảo vệ Người tiêu dùng của Tiêu dùng Plus tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng... Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào đường dây nóng: 0982.179.091; Hoặc gửi qua hòm thư: [email protected]
05:30, 06/07/2015
05:31, 05/07/2015