19/01/2025 | 13:31 GMT+7, Hà Nội

2019 - Những hy vọng mới cho nền kinh tế

Cập nhật lúc: 27/12/2018, 15:24

Năm 2018 được coi là một năm thế giới có nhiều biến động nhưng lại được coi là một năm đáng ghi nhận với những thành tựu đáng khích lệ của kinh tế Việt Nam. Theo nhận xét của không ít giới chuyên gia, bước sang năm 2019, thời cơ cũng như cơ hội cho nền kinh tế Việt đang hiện hữu với rất nhiều hướng thuận, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,84% thậm chí có thể là 7%.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bước vào năm 2019, khi tham gia CPTPP hay EVFTA, Việt Nam sẽ có bước phát triển mới vững chắc hơn trong quan hệ với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ có nền tảng thể chế và kinh tế - xã hội tốt hơn, có khả năng tự chủ cao hơn trong các mối quan hệ quốc tế, kể cả với các nước lớn.

Theo phân tích và dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, các tổ chức quốc tế có dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020, trung bình đạt 6,5-6,6%. Nếu Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế… thì sẽ đạt tới mức tăng trưởng cao hơn. Bên cạnh những yếu tố khách quan, vừa qua, Nghị quyết về tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2019 đã nêu rõ, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về các chỉ tiêu chủ yếu, theo Nghị quyết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP…

Năm 2019 được nhận định là năm kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với những tăng trưởng.
 

Theo phân tích của giới chuyên gia, thời cơ cũng như cơ hội cho nền kinh tế trong năm 2019 đã hiện hữu rõ nét khi mà các cơ quan nhà nước rất quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở và không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh. Phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh. Các Hiệp định Việt Nam tham gia và ký kết đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cũng cho rằng, căng thẳng Mỹ - Trung kéo theo sự giảm tốc nguồn cầu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng của Đông Nam Á. Tuy nhiên vấn đề này sẽ trở thành ngoại lệ với Việt Nam khi tăng trưởng GDP đã tăng lên 6,9% cho cả năm 2018.

Bên cạnh những thuận lợi, chính việc khởi sắc của nền kinh tế Việt trong những năm gần đây đã nâng cao hình ảnh của Việt Nam và thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam đang gặp nhiều điều kiện thuận lợi mà có thể gọi là “cơ hội vàng” cho thu hút FDI. Dự đoán vốn FDI thực hiện hết năm 2018 này, Việt Nam sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD và hiện nay 25% vốn đầu tư xã hội là vốn FDI. Đây được coi là động lực tăng trưởng quan trọng cùng với kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Ngọc Hà