24/01/2025 | 04:28 GMT+7, Hà Nội

20 năm có mặt, Coca-Cola đã làm gì cho Việt Nam?

Cập nhật lúc: 03/07/2019, 02:23

Nhìn lại 20 năm chính thức có mặt tại Việt Nam trong vai trò là doanh nghiệp 100 vốn đầu tư nước ngoài, Coca-Cola đã hiện diện với hình ảnh của một doanh nghiệp bền bỉ báo lỗ...

Hành trình hiện diện của Coca-Cola tại Việt Nam

Năm 1960, Coca-Cola đã xuất hiện tại Việt Nam. Năm 1994, công ty này chính thức bắt đầu kinh doanh. Tháng 8/1995, Coca-Cola Đông Dương và công ty nông nghiệp và thực phẩm Vinafimex đã thành lập liên doanh đặt trụ sở tại miền Bắc. Sau đó, phía Vinafimex bán lại 30% cổ phần cho Coca-Cola sau nhiều năm thua lỗ triền miên với giá khoảng 2 triệu USD.

Tháng 1/1998, tập đoàn Coca-Cola lập thêm một liên doanh với công ty nước giải khát Đà Nẵng đặt tên Coca-Cola Non Nước đặt tại miền Trung. Ngoài ra còn một liên doanh khác của Coca-Cola đặt tại miền Nam là Coca-Cola Chương Dương.

Năm 1998, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ra đời có những thay đổi mới so với Luật năm 1994. Trong bối cảnh đó, tháng 10/1998, Chính phủ đã cho phép các công ty Liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Các liên doanh của Coca-Cola lần lượt thuộc sở hữu hoàn toàn của Coca-Cola Đông Dương sau cuộc “thâu tóm” toàn bộ cổ phần của đối tác Việt Nam. Năm 1999, 3 liên doanh lần lượt chuyển sang hình thức sở hữu với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Và tháng 6/2001, 3 công ty này hợp nhất thành một và quản lý bởi Coca-Cola Việt Nam.

Sự nghiệp bền bỉ báo lỗ của Coca-Cola

Cuối năm 2012, Cục Thuế TP.HCM đã có những công bố về nghi vấn chuyển giá của Coca-Cola khi doanh nghiệp này báo lỗ sau gần chục năm hiện diện ở Việt Nam. Còn nhớ, thời điểm đó, làn sóng “tẩy chay” Coca-Cola đã thổi bùng lên trong dư luận.

Bởi việc Coca-Cola liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh với vốn rót lên tới hàng triệu USD nhưng lại báo lỗ liên tục và không đóng bất cứ một đồng thuế nào cho Việt Nam đã tạo ra sự bất bình. Nhiều ý kiến cho rằng, Coca-Cola là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, được hưởng các ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam theo diện doanh nghiệp FDI, sử dụng nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên nhưng lại không có đóng góp thuế cho đất nước vì… cứ lỗ mãi.

Theo thống kê, tới thời điểm tháng 12/2012, Coca-Cola đã có số lỗ lũy kế lên tới 3.700 tỷ đồng. Việc thua lỗ của Coca-Cola được đánh giá không phải do tăng trưởng doanh thu yếu mà ngược lại, sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng tới 25% mỗi năm. Lý giải về việc Coca-Cola thua lỗ, một lãnh đạo của Coca-Cola cho rằng là do tỷ lệ nguyên phụ liệu trên giá bán rất cao.

Với con số lỗ khổng lồ, xét về mặt kỹ thuât, lẽ ra Coca-Cola sẽ rơi vào tình trạng “điêu đứng”. Nhưng không, đại gia nước giải khát này lại cố gắng “nuốt nước mắt”, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với nguồn vốn đầu tư lên tới hơn 300 triệu USD vào Việt Nam, đưa tổng vốn đầu tư lên nửa tỷ USD trong 5 năm.

Hành động của Coca-Cola đã buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Như một hành động xoa dịu dư luận, đến năm 2013, Coca-Cola bất ngờ báo lãi với con số đầy khiêm tốn là 150 tỷ. Năm 2014, con số lãi lên tới 357 tỷ đồng. Sau cuộc chấn động dư luận năm 2012 thì Coca-Cola đã “đột nhiên” lãi liên tục trong các năm sau đó.

Nhưng một vấn đề đáng ngạc nhiên lại đặt ra bởi con số báo lãi của Coca-Cola là quá khiêm tốn. Theo khảo sát của BMI, thị trường nước giải khát Việt Nam tăng trưởng nóng 19,35%/năm trong suốt giai đoạn 2009-2013, bất chấp khủng hoảng kinh tế kéo theo sự đi xuống của hầu hết các ngành nghề.

Còn theo báo cáo của Euromonitor cho thấy, năm 2017, con số tiêu thụ đồ uống nước giải khát của Việt Nam là 5,3 tỷ lít, tăng 55% sau 5 năm (so với năm 2013). Rõ ràng, là một ngành “sống rất khỏe” nhưng Coca-Cola có vẻ như thật khó khăn trong việc khẳng định khoản lãi sau thuế của mình trong khi, thị phần của doanh nghiệp này ở Việt Nam không hề nhỏ.

Trước thực trạng này, nhận định của cơ quan thuế cho rằng, việc điều tra chuyển giá tại Coca-Cola là bài toán vô cùng phức tạp bởi đây là hành vi rất tinh vi mà doanh nghiệp FDI đang thực hiện. Nguồn nguyên liệu của Coca-Cola đang đưa vào sản xuất là độc quyền nên mức định giá là khó so sánh. Thế nên, việc xác định Coca-Cola có hành vi gian lận chuyển giá là vô cùng khó khăn.

Đến hiện tại, vụ gian lận chuyển giá của Coca-Cola đã được lựa chọn là sự vụ điển hình của hành vi đầy phức tạp và nan giải trong chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.

Chiêu bài truyền thông quá đà

Mới đây, Coca-Cola lại tiếp tục thổi bùng lên một cuộc tranh luận liên quan đến slogan mới “Mở lon Việt Nam”. Ngay sau khi slogan này xuất hiện, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)  đã “tuýt còi” và xử phạt Coca-Cola vì cho rằng việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo, có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.

Chỉ sau quyết định xử phạt của Cục Văn hóa cơ sở, hình ảnh của Coca-Cola đã xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội và báo chí. Tất yếu cũng chia thành 2 phe, một bên cho rằng slogan này hoàn toàn bình thường và một bên cho rằng, đây là chiêu bài truyền thông quá đà. Giới quan sát cho rằng, Coca-Cola đã có một ván bài truyền thông đầy khôn ngoan khi chỉ bỏ ra vài chục triệu đồng xử phạt để phủ rộng thương hiệu trên các phương tiện truyền thống.

Song, nếu nhìn nhận thẳng thắng, slogan “mở lon Việt Nam” là một câu tối nghĩa và rõ ràng là lạm dụng tên quốc gia.

Căn cứ vào việc sử dụng slogan này, Coca-Cola không chỉ vi phạm khoản 3, điều 8, Luật Quảng cáo 2018 là: "Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam" mà còn có thể vi phạm khoản 1, Điều 19, Luật Quảng cáo 2018: "Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo".

Như vậy, 20 năm xuất hiện tại Việt Nam trong vai trò là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Coca-Cola đã khẳng định thương hiệu của mình từ một doanh nghiệp nổi tiếng với điệp khúc “báo lỗ” đến chiêu bài truyền thông quá đà khi lạm dụng tên quốc gia. Những đóng góp đầy tai tiếng của Coca-Cola đã khiến dư luận buộc phải lên tiếng về lối kinh doanh thiếu trung thực và đầy chiêu trò của hãng nước giải khát lớn này.