25/04/2024 | 07:40 GMT+7, Hà Nội

2 lần bị tòa án tuyên phải trả nợ, Công ty Thảo Trung tìm cách thoái thác?

Cập nhật lúc: 26/05/2021, 06:18

Công ty Thảo Trung dùng hồ sơ thanh quyết toán và kết quả thi công của Công ty cấp nước để quyết toán với chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi nhận đủ tiền, đơn vị này tìm cớ trì hoãn việc thanh toán cho Công ty cấp nước.

Công ty Thảo Trung lại viện lý do để trì hoãn trả nợ

Được biết, năm 2007, Công ty Cổ phần Thảo Trung (gọi tắt là Công ty Thảo Trung) và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và luyện Kim Thanh Hóa được UBND phường Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa) giao thầu để thi công công trình hệ thống cấp nước khu du lịch hồ Kim Quy và làng cổ Đông Sơn (TP. Thanh Hóa).

Công ty Thảo Trung, đại diện liên danh nhà thầu và Công ty Cấp nước Thanh Hóa đã ký hợp đồng kinh tế số 102/HĐXD ngày 28/12/2007 về việc xây dựng hệ thống cấp nước khu du lịch hồ Kim Quy và làng cổ Đông Sơn với giá trị hợp đồng và phụ lục hợp đồng là 4.434.330.000 đồng. Theo thỏa thuận giữa Công ty Thảo Trung và Công ty Cấp nước Thanh Hóa, thì Công ty Thảo Trung được chủ đầu tư thanh toán bao nhiêu thì phải thanh toán đủ cho Công ty Cấp nước Thanh Hóa. Công ty Thảo Trung chỉ giữ lại 5% tiền đóng góp theo hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Điều đáng nói là, sau khi Công ty Cấp nước Thanh Hóa đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với Công ty Thảo Trung, đơn vị này đã sử dụng hồ sơ và kết quả thi công do Công ty Cấp nước cung cấp để làm căn cứ để thanh quyết toán với UBND phường Hàm Rồng. Chủ đầu tư (UBND phường Hàm Rồng) cũng đã thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng cho Công ty Thảo Trung theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng điều chỉnh.

Công ty Cấp nước Thanh Hóa.

Mặc dù, sau khi ký hợp đồng đơn vị thi công đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao và dự án đã đi vào sử dụng, nhưng Công ty Thảo Trung vẫn chưa thanh toán đủ số tiền 1.415.643.000 đồng còn nợ (một tỷ bốn trăm mười lăm triệu sáu trăm bốn mươi ba nghìn đồng, đã trừ 5% tiền đóng góp cho Công ty Thảo Trung và tiền Công ty Cấp nước Thanh Hóa xin ứng trước đó…).

Tại bản án sơ thẩm ngày 15/6/2016, Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa đã quyết định chấp nhận yêu cầu của Công ty Cấp nước, buộc Công ty Thảo Trung phải thanh toán cho Công ty Cấp nước số tiền còn lại theo hợp đồng kinh tế số 102, ngày 28/12/2007 là 1.415.642.000 đồng.

Ngày 27/6/2016, Công ty Thảo Trung kháng cáo, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét lại vụ án và bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Cấp nước Thanh Hóa.

Phía Công ty Thảo Trung thì cho rằng, phụ lục hợp đồng có chữ ký của hai bên là giả nên đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa hủy án sơ thẩm, chuyển tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa để xét xử lại. 

Trang 9 phụ lục hợp đồng giữa Công ty Thảo Trung và Công ty Cấp nước không có dấu giáp lai, nhưng thể hiện đơn giá điều chỉnh được hai bên ký, đóng dấu.

Ngày 15/2/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên hủy bản án sơ thẩm ngày 15/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Lý do hủy bản án sơ thẩm được Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đưa ra là: Phụ lục hợp đồng (nội dung điều chỉnh giá hợp đồng) hai bên ký kết ngày 10/9/2008 đóng dấu giáp lai không liền mạch, trong đó trang 9 của phụ lục hợp đồng có ghi đơn giá, nhưng không có dấu giáp lai (trong khi đó trang 9 là trang thể hiện giá trị điều chỉnh bổ sung hợp đồng)… Việc tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào bản sao phụ lục khối lượng đơn giá do Công ty Cấp nước Thanh Hóa cung cấp để đánh giá chứng cứ là chưa đầy đủ.

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, mặc dù trang 9 phụ lục hợp đồng không đóng dấu giáp lai, nhưng Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã không đánh giá đúng mức tính pháp lý tại trang 9 của phụ lục hợp đồng là có con dấu, chữ ký của hai bên ở cuối trang, làm căn cứ để công nhận hiệu lực pháp lý của phụ lục hợp đồng

Bản thân Công ty Thảo Trung không thừa nhận con dấu và chữ ký của mình tại trang 9, nhưng không có yêu cầu giám định con dấu và chữ ký trên bản gốc của phụ lục hợp đồng mà chỉ yêu cầu tòa án đánh giá tính pháp lý của tài liệu.

Tòa án TP. Thanh Hóa tiếp tục “bác” quan điểm của Công ty Thảo Trung

Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên hủy bản án sơ thẩm ngày 15/6/2016 của Tòa án nhân dân thành phố, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Ngày 19/9/2018, Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa đã tuyên bản án số 18/2018/KDTM-ST về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng. Lần này, Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa vẫn giữ nguyên quan điểm, buộc Công ty Thảo Trung phải thanh toán cho Công ty Cấp nước Thanh Hóa số tiền còn thiếu trong hợp đồng xây dựng là 1.415.642.000 đồng (giữ nguyên kết quả bản án sơ thẩm ngày 15/6/2016).

Theo đó, Hội đồng xét xử tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa cho rằng, lời khiếu nại của Công ty Thảo Trung về việc hai bên không ký phụ lục hợp đồng xây dựng là không có căn cứ, bởi: “Phía Công ty Thảo Trung (đã) xác nhận giá trị hợp đồng 102/HĐXD xây dựng là 3.309.253.000 đồng và giá trị hợp đồng (đã được) điều chỉnh tại phụ lục hợp đồng là 4.434.330.000 đồng. Trong quá trình thi công, Công ty Thảo Trung đã cho bên Công ty cấp nước ứng 2.280.000.000 đồng”.

Hay nói cách khác, Công ty Thảo Trung đã nhận khoản tiền thanh toán đầy đủ từ chủ đầu tư (phường Hàm Rồng) bao gồm cả giá trị tăng thêm theo phụ lục hợp đồng giữa Công ty Thảo Trung và Công ty Cấp nước đã ký. Nhưng sau khi Công ty Thảo Trung nhận đủ tiền từ chủ đầu tư đã không thanh toán đủ cho đơn vị thi công (Công ty Cấp nước Thanh Hóa) vì không thừa nhận phụ lục hợp đồng giữa hai bên đã ký.

Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Hội đồng xét xử cũng cho rằng, tại trang 9 phụ lục hợp đồng không đóng dấu giáp lai nhưng có chữ ký của người đại diện 2 công ty và đóng dấu đỏ của Công ty Thảo Trung và Công ty Cấp nước Thanh Hóa. Về hình thức văn bản chưa phù hợp, song phụ lục hợp đồng đã được hai bên tự nguyện ký và thực hiện xong, nội dung phụ lục hợp đồng không trái quy định của pháp luật, phù hợp với hợp đồng chính và tài liệu quyết toán công trình. Do đó, việc sơ xuất không đóng dấu giáp lai (trang 9) nhưng có chữ ký và con dấu của hai bên là có cơ sở để chấp nhận tính pháp lý của phụ lục hợp đồng.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa cũng bảo lưu quan điểm trước đây tại phiên xét xử sơ thẩm, cho rằng: Công ty Thảo Trung trực tiếp thi công 30% khối lượng công trình, nhưng đơn vị này không xuất trình được bất cứ tài liệu, chứng cứ chứng minh đã thi công khối lượng trên nên không có cơ sở chấp nhận.

Tại phiên tòa này, Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa cũng buộc Công ty Thảo Trung phải thanh toán toàn bộ số tiền còn thiếu cho Công ty cấp nước Thanh Hóa theo Hợp đồng số 102 và phụ lục hợp đồng 1.415.642.000 đồng. Yêu cầu tính lãi đối với số tiền chậm trả phù hợp với quy định của pháp luật.

Không đồng ý với bản án này, Công ty Thảo Trung có đơn kháng cáo tới Tòa án nhân dân tỉnh. Tại bản án 05/2019 về tranh chấp hợp đồng xây dựng, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa một lần nữa tuyên hủy bản án số 18, ngày 19/9/2018, đồng thời giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa giải quyết, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/2-lan-bi-toa-an-tuyen-phai-tra-no-cty-thao-trung-thoai-thac-20201231000002341.html