164.000 người Việt phát hiện ung thư trong năm 2018
Cập nhật lúc: 08/12/2018, 01:00
Cập nhật lúc: 08/12/2018, 01:00
TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, trong năm 2018 đã ghi nhận những tiến bộ mới trong sự hiểu biết về căn bệnh ung thư, sự phát triển của chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới.Đặc biệt, sự hoạt động tích cực của Hội Ung thư Việt Nam cùng phối hợp với các Hội Ung thư tại các tỉnh, thành cũng như các Hội y học khác, cùng sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành, đã làm cho mạng lưới phòng chống ung thư phát triển mạnh mẽ; tiếp tục nâng cao nhận thức về bệnh lý ung thư trong quần chúng nhân dân và cập nhật kiến thức điều trị mới cho các bác sĩ.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống ung thư, chẩn đoán và điều trị nhưng tỉ lệ mắc mới ung thư và tỉ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng.
Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 thế giớicó 18,1 triệu ca mới và 9,6 triệu ca tử vong. Năm 2012, thế giới ghi nhận 14 triệu ca mới và 8,2 triệu trường hợp tử vong. Dự đoán năm 2025 tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó bệnh nhân phần lớn ở các nước đang phát triển.
Số bệnh nhân mắc ung thư tăng mỗi năm. Ảnh minh hoạ
Tại Việt Nam, ung thư cũng là bệnh lý đang tăng cao. GLOBOCAN ước tính năm 2018 Việt Nam có 164.000 ca mắc mới và hơn 114.000 người tử vong, tương đương mỗi ngày hơn 450 người mắc mới và hơn 312 người tử vong.
Năm 2012 Việt Nam phát hiện khoảng 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Như vậy trong vòng 6 năm, số bệnh nhân ung thư phát hiện mới mỗi năm tăng 31%.
Theo BS Dũng, số bệnh nhân bị ung thư gan đã vượt qua số ung thư phổi, trở thành bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Khảo sát tạiTP.HCM cho thấy số bệnh nhân ung thư tăng mỗi năm khoảng 9%, từ 6.800 ca mới năm 2010 tăng lên 9.000 ca năm 2015.
Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - nơi tiếp nhận điều trị các bệnh lý ung thư tuyến cuối của khu vực phía Nam, từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018, bệnh viện này tiếp nhận điều trị cho khoảng 30.000 ca mới, chiếm 69,6% các trường hợp đến khám tại bệnh viện. Trung bình số lượng bệnh nhân ung thư tại đây tăng khoảng 10% mỗi năm.
Đa số người bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. “Phần lớnung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp”, BS Dũng nhấn mạnh.
Cho đến nay, kết quả điều trị ung thư lệ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn nhiều loại ung thư, ngược lại ở giai đoạn muộn, điều trị vừa tốn kém, ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh.
Vì vậy, người dân, đặc biệt sau tuổi 40 hay có yếu tố nguy cơ cao, hay các trường hợp tiền sử gia đình có người mắc ung thư, cần khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm ung thư.
04:30, 29/11/2018
20:31, 20/08/2018
07:20, 24/01/2018