19/01/2025 | 09:20 GMT+7, Hà Nội

15/3 là ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam

Cập nhật lúc: 15/03/2017, 05:39

Từ năm 2015, Chính phủ quyết định ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.

Bên cạnh đó, Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) được tổ chức hàng năm cũng nhằm nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đồng thời, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.

Ngày 15/3 hàng năm là ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam

Năm nay, ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng (NTD)”.

Tại TP Hồ Chí Minh, tối 12/3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2017.

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong 5 năm (2011-2016), tính từ thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều thành công.

Trong đó nổi bật là các kết quả như: Đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, nhanh chóng và có tính thực thi cao; Xây dựng được bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương, đồng thời, hỗ trợ phát triển mạng lưới các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 51 tỉnh, thành trên cả nước;...

Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Công Thương đã công bố và kêu gọi các doanh nghiệp tham chương trình Doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đồng thời, một số doanh nghiệp tham gia chương trình cũng đã kí cam kết về việc triển khai một số hoạt động vì người tiêu dùng trong năm 2017 với các nội dung:

  • Xây dựng và công khai tổng đài, quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng
  • Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và thúc đẩy các quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của doanh nghiệp
  • Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp và đối tượng có liên quan về quyền lợi của người tiêu dùng, cách thức tiêu dùng an toàn, hợp lý
  • Tổ chức tháng hoặc tuần lễ bảo hành, sữa chữa miễn phí sản phẩm của doanh nghiệp;..

Về quyền lợi của người tiêu dùng, kể từ 1/7/2011, Luật Bảo vệ Quyền người tiêu dùng Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Theo đó, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản, đó là quyền được an toàn, quyền được lựa chọn, quyền được thông tin, quyền được lắng nghe, quyền được tham gia xây dựng chính sách, quyền được bồi thường, quyền được khiếu nại, quyền được tư vấn. 

Song song với những quyền này, người tiêu dùng Việt cũng có 2 nghĩa vụ cơ bản, đó là:

  • Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
  • Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.