19/01/2025 | 12:06 GMT+7, Hà Nội

Người tiêu dùng Việt nói gì về sản phẩm cao cấp?

Cập nhật lúc: 19/12/2016, 22:35

Người tiêu dùng Việt Nam định nghĩa "sản phẩm cao cấp" đa dạng về yêu cầu và yếu tố thay vì chỉ dựa trên một yếu tố duy nhất là giá cả.

Đây là kết luận được rút ra của Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen sau cuộc khảo sát về xu hướng cao cấp hóa.

Người tiêu dùng định nghĩa “cao cấp” nhiều hơn chỉ đơn thuần là vấn đề về giá

Quan niệm về "sản phẩm cao cấp" của người dùng Việt 

Thay vì đặt nặng vai trò của vấn đề giá, phần lớn người dùng Việt lại cho rằng một sản phẩm cao cấp là được làm từ nguyên/nhiên liệu với chất lượng cao nhất (với 63% người được hỏi nhận định như vậy).

Chỉ có ¼ người Việt (25% người được hỏi) cho rằng họ coi một sản phẩm là cao cấp bởi vì nó đắt.

63% người dùng cho hay, định nghĩa một sản phẩm là cao cấp dựa vào chất lượng tuyệt hảo và hiệu quả hoạt động vượt trội của chúng. 

Bên cạnh đó, 61% người tiêu dùng Việt cho rằng một sản phẩm cao cấp là một sản phẩm được sản xuất bởi một nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm cao cấp

Song song với đó, các yếu tố được xem là tạo nên một sản phẩm cao cấp là thiết kế/kiểu dáng đẹp/sang trọng vượt trội (49%) hoặc chức năng/tính năng hoạt động tốt (50%).

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho hay: “Khi kinh tế của người tiêu dùng ngày càng tăng, thì họ càng bị thu hút bởi các thương hiệu mà đó là khát vọng đối với nhiều người; điều này cũng được xem là một tín hiệu cho thấy họ đã đạt được thành công ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, thu nhập sẵn có của họ vẫn còn hạn chế; và đối với những người tiêu dùng này thì các thương hiệu đáng tin cậy sẽ cung cấp một sự đảm bảo về chất lượng, giảm thiểu rủi ro lãng phí tiền vào những sản phẩm mà không đáp ứng được những mong đợi của họ.

Người tiêu dùng tìm kiếm những sản phẩm cao cấp mỗi ngày

Cũng theo nghiên cứu của Nielsen, mặc dù các sản phẩm cao cấp về công nghệ, mỹ phẩm và quần áo/giày dép là những dòng sản phẩm được người tiêu dùng mua nhiều nhất (với 49%, 43% và 43%, theo thứ tự tương ứng), nhưng người tiêu dùng ở hầu hết các thị trường cũng sẵn sàng xem xét để chi trả cao hơn cho các sản phẩm là thịt/hải sản có chất lượng tốt hơn.

Số liệu nghiên cứu cho hay, hơn ¼ người tiêu dùng Việt cho biết họ sẵn sàng mua các sản phẩm cao cấp thuộc ngành hàng chăm sóc răng miệng (37%), chăm sóc cơ thể (36%) và chăm sóc tóc (32%).

Bên cạnh đó, khoảng 3 trong 10 người Việt (32%) nói rằng họ sẽ xem xét để chi trả cao hơn cho các sản phẩm bơ sữa và các sản phẩm thực phẩm trẻ em/sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.

Các ngành hàng mà người dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để sở hữu sản phẩm cao cấp

Nielsen cho rằng, đối với nhiều người thì các thuộc tính của sản phẩm sẽ quyết định mức giá cao cấp cho một sản phẩm. 

Hơn thế, không phải tất cả các thuộc tính sản phẩm đều giống nhau. Thay vào đó, một số đặc tính về chất lượng của sản phẩm sẽ quyết định sản phẩm đó có một mức giá cao hơn trong tâm trí của người tiêu dùng - và họ sẵn sàng trả một khoản tiền lớn hơn để có được sản phẩm đó.

Người tiêu dùng sẵn sàng trả cao hơn cho 1 số đặc tính nhất định của sản phẩm

Nielsen kết luận, trong một thế giới mà nhận thức tiêu dùng thiên về các phân khúc phổ thông, đối với nhiều người thì các sản phẩm với các tiêu chí an toàn, mang lại lợi ích cho sức khỏe và môi trường sẽ quyết định sản phẩm có giá cao hơn.

Theo đó, khoảng 6 trong 10 người Việt sẵn sàng để chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có chất lượng cao hơn mức tiêu chuẩn thông thường (62%) hoặc các sản phẩm được làm từ các nguyên/nhiên liệu hữu cơ/các thành phần tự nhiên (54%), cung cấp các chức năng cao cấp hơn/hiệu suất hoạt động tốt hơn (53%) và thân thiện với môi trường hoặc làm từ các nguyên liệu bền vững (53%).