18/01/2025 | 17:44 GMT+7, Hà Nội

100 dự án "đóng băng" và nỗi sợ trách nhiệm

Cập nhật lúc: 31/03/2019, 19:01

Hơn 100 dự án bất động sản “đóng băng”, hàng chục dự án bị “vạ lây” và hàng ngàn người mua nhà dở khóc dở cười.

Tất cả do sợ trách nhiệm, thủ tục ngưng trệ, cán bộ không dám ký duyệt và đùn qua đẩy lại giữa các cơ quan tại TPHCM.

Cuối năm 2018, UBND TP.HCM có văn bản tạm dừng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với 7 dự án khu chung cư cao tầng thuộc Tập đoàn Novaland trên địa bàn Q. Phú Nhuận. Khách hàng kêu trời, báo chí lên tiếng, doanh nghiệp lao đao và TP lại chỉ đạo giải quyết bình thường! Nhưng nói thì nói vậy nhưng thực tế đến nay, Novaland vẫn chưa nhận được giấy tờ gì chứng minh TP đã bỏ rào cản trên.

Không chỉ Novaland, không riêng gì vài ba doanh nghiệp và cũng không ở một số dự án. Hơn 3 tháng qua, chẳng một dự án nào được phê duyệt, mọi thủ tục vẫn như vòng trọn bất tận trình lên đẩy xuống và lại trình lên nhưng không ai dám ký! Họ thà bị phê bình, chịu kỷ luật và cắn răng nghe phê phán còn hơn nghĩ đến viễn cảnh vào “lò” trước mắt.

Chưa sai nhưng vẫn sợ, chưa ký nhưng vẫn lo và chưa có bất kỳ khuất tất nào nhưng vẫn không yên tâm. Thà thủ cho chắc, thà muộn cho lành và thà im lặng cho qua chuyện. Đó là tâm lý thủ thế, chờ thời lợi cho bản thân nhưng thiệt cho doanh nghiệp, người mua nhà và đặc biệt là nguồn thu và nền kinh tế. Biết rằng hàng loạt dự án đang bị thanh tra, rà soát, tính toán lại để Nhà nước không bị thất thoát, ngân sách không thiệt hại, luật phát được thượng tôn. Nhưng lấy đó là cái cớ để tất cả dừng lại bất chấp thiệt hại thì phải gọi tên thái độ ấy bằng gì?

 

Một trong số 100 dự án vướng thủ tục pháp lý ở Q.Tân Bình. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Một trong số 100 dự án vướng thủ tục pháp lý ở Q.Tân Bình. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Hãy nhìn những con số này để có chút xót xa: “Thực tế, nguồn thu ngân sách TP đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5%, hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong hai tháng đầu năm 2019 trên địa bàn TP lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, và đã có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế tổng số tiền sử dụng đất gần 800 tỉ đồng”.

Nên nhìn đến tình cảnh người mua nhà đã giao kết hợp đồng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người mua tại các dự án đang bị rà soát, thanh tra là bên vô can không có lỗi. Nhưng tại sao họ lại đang phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư? Họ phải được luật pháp bảo vệ. Điều đó không chỉ đúng lý mà còn hợp tình.

Ngâm hồ sơ vì sợ trách nhiệm, không phê duyệt đồng nghĩa với góp tay làm hàng loạt dự án ách tắc, sụt giảm nguồn cung, đẩy giá tăng, trút rủi ro cho doanh nghiệp và người mua, khó khăn chồng chất cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng... Nhà đầu tư đã e ngại sẽ càng lo sợ hơn, thị trường vốn thận trọng lại càng e dè nhiều và tất cả đều thiệt hại.

Đừng bảo rằng phải kỹ đến mức như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) phải kêu cứu: “Sở Tài nguyên - Môi trường gần như không nhận hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp. Đối với hồ sơ đã nhận thì bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất, UBND TP”. Đừng biện minh rằng trước đây sai nhiều quá nên cứ phải “đưa lên đẩy xuống” thẩm định cho cặn kẽ, đúng mọi quy định. Đó là cách làm khó doanh nghiệp, đẩy trách nhiệm và né tránh việc của mình.

Rồi mọi việc sẽ lại phải đâu vào đấy, nhưng bao giờ mới được như vậy thì vẫn là những cái lắc đầu vô vọng. Cuộc sống không ngừng lại, kinh doanh không thể đứng yên và nền kinh tế cũng không thể thiếu một thị trường bất động sản lành mạnh. Nhưng “băng” cứ đóng, mọi cánh cửa vẫn cài thì trách nhiệm ấy không thể chỉ phê bình hay chỉ đạo sơ xài là xong mà UBND TP.HCM phải mạnh tay với cấp dưới hơn nữa...