19/01/2025 | 13:25 GMT+7, Hà Nội

100% các doanh nghiệp muốn cải cách thủ tục hành chính

Cập nhật lúc: 09/06/2020, 13:00

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Eurowindow khi nói về những khó khăn đang cản bước doanh nghiệp bất động sản bước vào vận hội mới sau dịch.

Tại buổi Tọa đàm "Thăng trầm bất động sản 2010 - 2020 và những xu hướng sắp tới" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Eurowindow đã chia sẻ bảng khảo sát các vấn đề mà doanh nghiệp bất động sản quan tâm.

Theo đó, ông Hồng cho hay, 100% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng thủ tục hành chính là vấn đề hàng đầu. Ngoài ra, các chính sách, điều luật còn chưa thống nhất và đồng bộ cũng được 81% doanh nghiệp cho là điều bất cập.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng. Ảnh: Vnexpress.

“Doanh nghiệp đang có một số vấn đề vướng mắc như việc tiếp cận đất đai và cải tạo mặt bằng. Số lượng dự án được phê duyệt trong thời gian vừa qua rất ít. Ngoài ra, vấn đề tài chính, đặc biệt là Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra những khó khăn về dòng tiền để doanh nghiệp triển khai dự án”, ông Hồng nói.

Bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam cũng nhận định, đã đủ một chu kỳ 10 năm để thị trường có sự thay đổi nhưng còn kẹt ở vấn đề pháp lý chồng lấn.

"Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thay đổi, phục hồi nhưng còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế... Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn, có rất nhiều điều luật về luật bất động sản, luật nhà ở... bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc", bà Thanh nói.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết thêm, về tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản, ngoài đến từ nguồn ngân hàng hỗ trợ, còn có thị trường vốn về chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, nguồn vốn này sẽ khó khăn hơn khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt hơn trong thời gian tới, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn để phát triển dự án của các doanh nghiệp.

Nhưng đại diện doanh nghiệp này cũng nhìn nhận, ngoài vấn đề tài chính, yếu tố pháp lý, thủ tục đầu tư dự án đang gây cản trở nhiều nhất. “Để có một khu đất xây dựng dự án nhà ở hiện tại rất khó. Muốn một khu đất 100% đất ở là rất khó và tốn kém nhiều chi phí, thời gian làm thủ tục giấy tờ...”, ông Đặng Hồng Anh nói.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cho rằng, hai năm trở lại đây, FLC đặc biệt quan tâm đến tính pháp lý. Theo ông, các sự cố xảy ra trong lĩnh vực bất động sản xuất phát từ vấn đề pháp lý chứ không phải doanh nghiệp tạo ra.

“Luật pháp đi theo thị trường nhưng lại chậm trễ khi tạo khung pháp lý cho nhà đầu tư, người đầu tư. Có dự án hàng trăm héc-ta xây xong rồi nhưng đầu tiên bảo đấu thầu, làm xong rồi lại bảo đấu giá. Mỗi dự án bước vào thi công mất 3 năm thuận buồm xuôi gió mới có thể làm được.

Như tại FLC Sầm Sơn, cách đây 6 năm vẫn là khu đầm lầy, vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục hồ sơ, tại Bình Định lần đầu tiên tôi đặt chân đến cũng là ngày khởi công, rất nhiều thứ trong một. Sầm Sơn và Quy Nhơn đều 11 tháng còn bây giờ với cơ chế chính sách không cho vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục thì ít nhất 3 năm mới dám khởi công vì chờ quy hoạch chung của tỉnh, nếu có sân golf phải xin ý kiến của các bộ, ngành… Nếu pháp lý có được sự hỗ trợ, xây dựng chính sách tạo thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ không đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Quyết nói và nhấn mạnh thêm: "Giờ đến tỉnh đầu tư, nếu nghe chủ tịch tỉnh nói đảm bảo hết vấn đề pháp lý thì chúng tôi nhận, còn không thì dẫu đất vàng cũng không nhận, vì nhận làm gì, có bán được đâu". 

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - ông Đỗ Anh Dũng. Ảnh: Vnexpress.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho rằng, giải quyết các vấn đề thủ tục, cấp phép đầu tư với doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện tại "còn quý hơn vàng".

"Vị trí vàng, vị trí đẹp đến đâu mà để cả chục năm thì vẫn lỗ vốn", ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, nhiều người nghĩ đầu tư bất động sản lợi nhuận rất cao, nhưng thực tế không phải như vậy. Cơ chế chính sách thủ tục đang kìm hãm sự phát triển thị trường bất động sản.

Do đó, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng, nếu không vướng mắc pháp lý thì tiến độ xây dựng, tiến độ dự án sẽ nhanh hơn rất nhiều. 

"Tôi muốn thủ tục hành chính ngắn gọn lại trong vòng một năm thôi. Chính sách của Chính phủ phải cập nhật với thị trường từng năm để có thể điều chỉnh kịp thời. Nếu nhu cầu thay đổi thì Chính phủ cũng phải linh hoạt thay đổi. Quy luật cung cầu của thị trường phải áp dụng triệt để trong lĩnh vực bất động sản", ông Dũng nhấn mạnh.

Nói về tầm quan trọng của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đón đầu những cơ hội phát triển mới từ chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Đặng Hồng Anh cho hay, bất động sản là lĩnh vực rất đặc thù, bởi vì xu hướng phát triển của nó sẽ kéo theo xu hướng phát triển của rất nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

“Do đó, vực dậy bất động sản hiện nay không chỉ là mối quan tâm của doanh nghiệp bất động sản, mà còn là mối quan tâm chung của cả xã hội, có tác động lớn đến tốc độ phục hồi nền kinh tế nói chung”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định.