19/01/2025 | 15:25 GMT+7, Hà Nội

Ý nghĩa và nguồn gốc câu nói “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”

Cập nhật lúc: 05/02/2018, 21:01

Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy là câu thành ngữ quen thuộc, nói về sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc của con cái, học trò đối với cha mẹ, thầy cô trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

Năm hết Tết đến, mỗi khi Tết về chúng ta lại nói với nhau: Mùng 1 tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy, vậy ý nghĩa của câu nói này ra sao?

Chia sẻ với báo chí, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cho hay: Câu tục ngữ nhắc đến 3 nhân vật quan trọng nhất đối với mỗi con người đó là cha, mẹ, thầy cô giáo.

Mỗi người đều phải đến chúc tết thăm hỏi những người trên đặc biệt cha, mẹ và thầy. Câu thành ngữ này cũng nói đến phong tục rất là đẹp của dân tộc ta, đó là sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người trên trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhà cha là nhà bên họ nội. Ngày mùng 1 thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng.

Cũng vậy, ngày mùng 2, lại kéo cả nhà về bên họ ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết.

Về tục chúc Tết, nhà nghiên cứu phong tục Toan Ánh đã chia sẻ trong cuốn Các thú tiêu khiển Việt Nam: Sáng ngày mùng 1 Tết, sau khi lễ gia tiên, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ.

Lúc này, ông bà, cha mẹ ăn mặc chỉnh tề ngồi ở giữa nhà, thường các nhà sang trọng có kê sập chân quỳ thì các cụ an tọa ở nơi sập. Con cháu ăn mặc quần áo đẹp, chúc Tết ông bà rồi chúc Tết cha mẹ mạnh khỏe, bình an, nếu buôn bán thì đắc tài sai lộc.

Ông bà cha mẹ sung sướng hân hoan đón nhận lời chúc Tết của con cháu, cầu chúc cho con cháu mạnh khỏe, học hành tấn tới được lên lớp hoặc thi đỗ.

Cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy học của mình, do đó ngày mùng 3 thì học trò đồng môn rủ nhau đến viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). Họ mang theo lễ vật để tỏ chút lòng. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện làm ăn, nghề nghiệp rất vui vẻ, bổ ích.

Do mọi việc xã giao, chúc tụng đều tập trung cho kịp trong ba ngày Tết, nếu để “ra ngoài ngày” (tức từ mùng 4 trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là về mặt tình cảm, tôn kính quý trọng, cho nên người ta cũng sắp xếp có người trực ở nhà vừa không để trống vắng lạnh lẽo, vừa cũng để tiếp khách.

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm của người Việt và là dịp để con cháu làm ăn xa quây quần, xum vầy về bên gia đình, mọi người cùng tụ họp lại để hỏi thăm sức khỏe, trao quà, mừng tuổi, chúc nhau may mắn trong năm mới.

Tết cũng chính là cơ hội để các thành viên trong gia đình gắn kết hơn, xích lại gần nhau hơn và là dịp để mọi người nghỉ ngơi sau một năm bận rộn trong công việc.