19/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Sự khác nhau giữa mâm cỗ 3 miền ngày Tết cổ truyền

Cập nhật lúc: 04/02/2018, 07:21

Tết cổ truyền chỉ có một nhưng mỗi vùng, mỗi nơi lại có đặc trưng mâm cỗ khác nhau trong cách bài trí và món ăn.

Miền Bắc

Người miền Bắc rất cầu kỳ trong mâm cỗ ngày Tết. Theo truyền thống, mâm cỗ miền Bắc nếu trong gia đình nhỏ phải có đủ 8 món đựng trong 4 bát và 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa và 4 phương.

Với gia đình lớn thì mâm cỗ còn lớn hơn, gồm có 12-16 món chia đều đựng trong bát và đĩa.

Các món ăn truyền thống là bánh chưng, dưa hành, giò lụa, canh măng khô thập cẩm, thịt gà, nem. Nhiều gia đình tươm tất đầy đủ hơn sẽ thêm nhiều món ăn hiện đại hơn.

Với tráng miệng thì người miền Bắc có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho... Những món này đặt trên bàn thờ trong những chiếc đĩa và bát nhỏ xinh.

Miền Trung

Có lẽ đặc trưng nhất của mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung là những chiếc bánh tét dài. Bánh này giống như bánh chưng, chỉ khác là được gói trong hình trụ dài.

Người miền Trung ngoài món dưa hành thì món dưa góp là không thể thiếu trong mâm cỗ. Món ăn này được làm từ các loại củ quả, rất đẹp mắt.

Ở các tỉnh Thừa Thiên Huế còn có các món kho như bò kho mật mía, thịt heo ngâm mắm và các món kiểu kho rim mặn để được dài ngày.

Các tỉnh ven biển thì lại có thêm món cá thu kho mặn, món đặc sản đặc trưng của biển cả.

Miền Nam

Miền Nam cũng giống như miền Trung có loại bánh tét đặc trưng nhưng có hai loại nhân mặn và ngọt.

Phần nhân cũng có rất nhiều loại nhân như đậu xanh thịt mỡ, lòng đỏ trứng muối, nhân thập cẩm xá xíu,...

Nét đặc biệt của người miền Nam là món canh khổ qua (mướp đắng) được nhồi thịt hay nấu không đều ngon.

Theo người miền Nam thì món canh này sẽ giúp tiễn giải những khó khăn năm cũ để đón một năm mới tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, mâm cỗ của người miền Nam có thêm món thịt heo kho nước dừa hoặc canh chua cá lóc, củ kiệu muối, giò heo nhồi và lạp xưởng.