18/01/2025 | 15:54 GMT+7, Hà Nội

Xuất khẩu Việt Nam bắt kịp xu hướng mới để phục hồi

Cập nhật lúc: 04/05/2020, 14:00

Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt gần 163 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỉ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ước tính khoảng 3 tỉ USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 162,83 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng ngành nông nghiệp, 4 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu ước đạt 11,9 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2019, nhưng ghi nhận xuất siêu 2,8 tỉ USD. Một số mặt hàng duy trì được đà tăng như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,5%; cà phê tăng 1,5%; hạt điều tăng 4,2%; rau tăng 5%; mây, tre, cói thảm tăng 11,8%.

Đối với ngành cà phê, dịch Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ ở kênh chuỗi cà phê, nhà hàng, khách sạn… sụt giảm nghiêm trọng nhưng bù lại, sản lượng của các nhà nhập khẩu phân phối ở kênh siêu thị, bán hàng online tăng cao đột biến. 

Dệt may là một trong những ngành gặp khó nhất trong đại dịch Covid-19 khi đơn hàng tại thị trường châu Âu (EU) và Mỹ bị đình trệ, tiêu thụ trong nước rất chậm bởi người dân chỉ tập trung mua đồ thiết yếu thay vì sắm quần áo, giày dép…

Theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Viet Thang Jeans - cho biết các khách hàng ở thị trường nhập khẩu chủ lực tạm ngưng, đồng nghĩa 60%-70% đơn hàng bị ảnh hưởng, DN trông chờ vào thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN nhưng cũng không đáng kể.

Để giữ chân người lao động, khoảng 50% DN dệt may trong hội chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Các đơn hàng khẩu trang chủ yếu tạo công việc cho công nhân trong ngắn hạn nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Xét về thị trường, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 20,3 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,1 tỉ USD, tăng 26,7%.

Bên cạnh đó, thị trường EU đạt 10,7 tỉ USD, giảm 8,1%. Thị trường ASEAN đạt 8,2 tỉ USD, giảm 3,4%. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đạt 6,7 và 6,2 tỉ USD.