19/01/2025 | 16:24 GMT+7, Hà Nội

Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 9,6 tỷ USD trong quý I/2021

Cập nhật lúc: 10/04/2021, 06:13

Tính trong quý I/2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 9,6 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý I/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 9,6 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ thị trường EU đạt 4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 9,6 tỷ USD trong quý I/2021
Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 9,6 tỷ USD trong quý I/2021

Có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), nhờ đó kết quả xuất siêu trong 3 tháng đầu năm 2021 với thị trường EU là 5,4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao so với cùng kỳ năm 2020 như: hạt tiêu tăng mạnh nhất tới 31,5%, gạo tăng 18,6%, cao-su tăng 14,1%, chè 10,2%, cà-phê tăng 6,8% ...

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam với thị trường EU đã giúp cho thị trường khó tính này trở thành thị trướng xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, để xuất khẩu vào thị trường EU được thuận lợi, doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý tới quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Theo quy định, chỉ những hàng hóa có xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Khi xuất khẩu hàng hóa vào EU, việc nắm vững và thực hành đúng các quy tắc xuất xứ được quy định sẽ tránh được các rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với thị trường EU, nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lại đồng thời có được các ưu thế về tận dụng các nguồn gốc xuất xứ cộng gộp trong Hiệp định EVFTA. Chẳng hạn đối với mặt hàng dệt may Việt Nam có thể cộng gộp nguồn nguyên liệu vải Hàn Quốc. Đây là những thuận lợi chỉ có Hiệp định EVFTA mới có thể đem lại.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được các lợi ích của hiệp định trước hết chính là từ việc hiểu rõ hiệp định có thể mang lại những thuận lợi gì trong lĩnh vực của mình, trong những mặt hàng của mình. Ví dụ như nghiên cứu, áp dụng thay đổi trong quy trình sản xuất, thay đổi nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và có thể được hưởng mức thuế thấp mà hiệp định mang lại.

Các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các hàng rào kỹ thuật, như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; bảo đảm nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); hay những quy định trong Công ước CITES nhằm bảo vệ các loại động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU. Đối với doanh nghiệp thủy sản thì cần lưu ý tới quy định IUU về việc ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo…

Nguồn: https://congly.vn/xuat-khau-sang-thi-truong-eu-dat-9-6-ty-usd-trong-quy-i-2021-184725.html