20/01/2025 | 00:00 GMT+7, Hà Nội

Xuất khẩu sản phẩm dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa tiệm cận 1 tỷ USD

Cập nhật lúc: 27/02/2023, 12:30

Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tổng giá trị trên thị trường dừa. Năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD.

Cây nông sản đầy tiềm năng

Theo thống kê, hiện cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa và khoảng 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ dừa. Trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến từ dừa mang danh hiệu "Made in Vietnam". Trong đó sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ lĩnh vực y tế đang có giá trị cao nhất, nhưng số doanh nghiệp chế biến được sản phẩm này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Xuất khẩu sản phẩm dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa tiệm cận 1 tỷ USD
Xuất khẩu sản phẩm dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa tiệm cận 1 tỷ USD

Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa còn rất lớn. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam nhận định: hai vùng nguyên liệu chính tại Bến Tre và Tiền Giang cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Hiện đơn hàng xuất khẩu dừa của doanh nghiệp ở đây rất khả quan, nhiều khả năng ngành này sẽ cán đích xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm nay.

Trong vòng 5 năm qua dừa đã, xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Phần Lan, Hoa Kỳ... đem lại giá trị kinh tế cao qua đó đã khẳng định thương hiệu của dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc Khối nguyên liệu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) nhận định, sản phẩm dừa Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhất là sản phẩm chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ… Công ty đang đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng từ trái dừa để tăng giá trị xuất khẩu.

Để gia tăng giá trị trái dừa, bà Nguyễn Thị Trúc Liên cho rằng phải cải tiến khâu sơ chế. Hầu như sơ chế dừa trái đang làm thủ công, hy vọng các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu phát triển máy móc sơ chế dừa trái, giảm phụ thuộc lao động thủ công, gia tăng giá trị nguyên liệu dừa trái. Bên cạnh đó cần có cơ chế ưu đãi về vốn cho các dự án đầu tư công nghệ chế biến dừa và các dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững, theo các tiêu chuẩn hữu cơ của các thị trường khó tính.

Ông Cao Bá Đăng Khoa chia sẻ tại Hội nghị "Xúc tiến thương mại ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa": Hiện nay ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế.

Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa. lợi thế của gỗ dừa là không nằm trong bất kỳ nhóm gỗ hạn chế nào trên thị trường nhưng giá trị lại rất lớn. Gỗ dừa được xếp vào nhóm một - nhóm gỗ có giá trị cao nhất của quốc gia.

Để khai thác giá trị gia tăng của mặt hàng gỗ dừa, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang trình các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các tiêu tiêu chuẩn, các văn bản quy định về khai thác và kinh doanh nhóm ngành này, cũng như ban hành những tiêu chuẩn quy định để tạo thuận lợi cho xuất khẩu gỗ dừa trong thời gian tới.

Hiệp hội Dừa cũng sẽ gửi hồ sơ lên Tổng cục Hải quan xây dựng đơn giá tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp làm căn cứ xuất khẩu. Đồng thời triển khai truyền thông đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm từ gỗ dừa như một loại nguyên liệu gỗ thân thiên với môi trường.

Mở rộng mạng lưới Hiệp hội dừa đến các tỉnh

Một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới. Dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt, thậm chí trong quý I/2023 có xu hướng tăng

Mặc dù có tiềm năng lớn, song việc phát triển ngành này còn nhiều khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp và Hiệp hội đang từng bước xây dựng những bộ tiêu chuẩn riêng, quy tắc riêng cho dừa. Sắp tới, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ xây dựng thêm các hiệp hội dừa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở mỗi tỉnh, hiệp hội sẽ do tỉnh thành lập và Hiệp hội Dừa Việt Nam là thành viên nhằm hỗ trợ cho các hội viên. Để mở rộng đầu ra cho trái dừa, trong năm 2023, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động giao thương kích cung - cầu cho thị trường

Chính phủ cần tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Bộ NN&PTNT cần đưa cây dừa vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Nhất là xây dựng các vùng trồng bền vững dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào.

Về giải pháp lâu dài, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, Cục sẽ phối hợp các đơn vị mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…; phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT có kiến nghị, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cho dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa...

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xuat-khau-san-pham-dua-va-cac-san-pham-che-bien-tu-dua-tiem-can-1-ty-usd-324710.html