22/11/2024 | 04:09 GMT+7, Hà Nội

Xuất khẩu gạo có sự “lốt xác”

Cập nhật lúc: 29/11/2018, 09:01

Nhìn lại quá trình sản xuất, XK gạo những năm gần đây, đặc biệt là từ thời điểm giữa năm 2013 khi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điểm dễ nhận thấy là XK gạo có sự “lột xác”.

 

 Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với 23,6% thị phần (Ảnh TL)
 

Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng đầu năm, XK gạo ước đạt 5,2 triệu tấn với giá trị 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với 23,6% thị phần.

Các thị trường có giá trị XK gạo tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là Indonesia (gấp 67 lần), Iraq (gấp 3,6 lần), Hồng Kông (tăng 67,7%), Philippines (tăng 51,9%) và Malaysia (tăng 24,7%). Giá gạo XK bình quân 9 tháng đầu năm  đạt 503 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Về mặt chi tiết chủng loại, giá XK của gạo thơm/Jasmine cao nhất, đạt 575 USD/tấn, giá gạo Japonica/gạo Nhật  XK đạt mức 526 USD/tấn. Gạo XK 5% tấm bình quân của Việt Nam nửa đầu tháng 10 đạt 410 USD/tấn, cao hơn của Ấn Độ đạt 372 USD/tấn và tương đương Thái Lan 411 USD/tấn.

Đáng chú ý là cơ cấu, chủng loại gạo XK đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng trung bình và cao, đồng thời, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 9 tháng đầu năm, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo XK.

Từ năm 2012 trở về trước, nói tới XK gạo, những ấn tượng quen thuộc luôn là đứng “top” đầu thế giới về sản lượng XK, song giá trị thấp, không tương xứng với tiềm năng. Gạo Việt XK phần lớn phẩm cấp thấp, hướng tới các thị trường dễ tính.

Các sản phẩm lúa gạo được đưa ra thị trường chủ yếu vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm” (Ảnh TL) 

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Hà Công Tuấn đánh giá: Trước đây, Việt Nam chủ yếu XK gạo thường IR 50404. Hiện nay, gạo XK phần lớn là loại gạo ngon. Tính đến thời điểm hiện tại, 80% gạo XK là gạo chất lượng cao. Bộ NN&PTNT nêu rõ: Về mặt thị trường, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia…, gạo Việt Nam đã và đang thâm nhập vào các thị trường khó tính và tiềm năng như Australia, Hàn Quốc… với giá XK tăng cao.

Xung quanh câu chuyện XK gạo, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho rằng: Sự thay đổi rõ nét về cơ cấu giống chính là nhân tố tạo ra những bước ngoặt cho ngành lúa gạo, góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng là một trong những yếu tố mấu chốt tạo nên thành công bước đầu của tiến trình cơ cấu lại ngành lúa gạo.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia, nhìn nhận sòng phẳng, sản xuất, XK gạo của Việt Nam còn không ít điểm phải bàn. Điển hình như câu chuyện xây dựng thương hiệu cho hạt gạo còn nhiều dang dở; chưa thực sự kết nối được DN và nhà nông… Các sản phẩm lúa gạo được đưa ra thị trường chủ yếu vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm”, chưa theo một chuỗi sản xuất khép kín...

Thời gian tới, để nâng cao giá trị gạo XK, Chính phủ, bộ ngành, hiệp hội cũng như các DN phải cùng nỗ lực, đồng bộ từ khâu thay đổi quy trình sản xuất nhằm tạo ra hạt gạo có giá trị thương mại lớn cho đến khâu xây dựng thương hiệu, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh...

Riêng về vấn đề thị trường, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Thị trường châu Á nói chung hiện đang chiếm thị phần hơn 60% kim ngạch XK gạo của Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á; tiếp theo đó là khu vực thị trường châu Âu bao gồm các nước EU, Nga và các nước thuộc Liên Xô (cũ). Đây là khối thị trường khá tiềm năng. Dù khối lượng gạo tiêu thụ có thể không lớn bằng các thị trường đã nói ở trên song khu vực thị trường này có thể tiêu thụ các loại gạo cao cấp của Việt Nam.

Nguyễn Mạnh