19/01/2025 | 13:37 GMT+7, Hà Nội

Xuất khẩu cuối năm 2018 còn dư địa tăng

Cập nhật lúc: 03/12/2018, 04:00

Đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2018, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu cuối năm 2018 còn dư địa tăng bởi theo quy luật các năm cho thấy, lượng đơn hàng thường rơi vào quý cuối năm sẽ tạo đà cho xuất khẩu chinh phục “đỉnh” mới trong năm 2018.

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận được nhiều tin vui (Ảnh TL)
 

Xuất khẩu gạo nhận được nhiều tin vui

 Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2018, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 212,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh là điện thoại và linh kiện các loại tăng 4,65 tỷ USD, hàng dệt may tăng 3,68 tỷ USD, giày dép các loại tăng 1,28 tỷ USD, thuỷ sản, nông sản với mức tăng từ 11 - 13%...

 Về mặt hàng gạo thì tại thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo nhận được nhiều tin vui. Philippines đang có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 - 800.000 tấn gạo bổ sung kho dự trữ và ổn định giá gạo trong nước. Thị trường các nước khác như Indonesia hay một số nước châu Phi... cũng có nhu cầu nhập khẩu ở những tháng cuối năm, nhằm đối phó với tình hình sản xuất suy giảm do bão lũ. Tại thị trường Trung Quốc, nhiều thương nhân đang xúc tiến làm việc trực tiếp với các đối tác DN Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu gạo lâu dài.

 Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản có xu hướng phục hồi với trị giá xuất khẩu trong tháng 10 là 879 triệu USD, tăng 13% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng đầu năm nay đạt 7,24 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng thời gian năm 2017.

Thời điểm cuối năm cũng là lúc DN dệt may đang chạy nước rút cho kịp đơn hàng của đối tác nước ngoài. Nhiều DN đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý 1 năm 2019. Qua đó, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng năm 2018 lên 25,17 tỷ USD, tăng 17,1% so với năm 2017.

 Đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2018, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu cuối năm 2018 còn dư địa tăng bởi theo quy luật các năm cho thấy, lượng đơn hàng thường rơi vào quý cuối năm sẽ tạo đà cho xuất khẩu chinh phục “đỉnh” mới trong năm 2018. Với kết quả khả quan này, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang duy trì xu hướng thuận lợi, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 của Việt Nam có thể đạt khoảng 240 tỷ USD, tăng 10 - 12% so với năm 2017.

Xuất khẩu thủy sản có xu hướng phục hồi với trị giá xuất khẩu trong tháng 10 là 879 triệu USD (Ảnh TL)
 

Cũng phải đối mặt với một số khó khăn

Dù có kết quả khả quan, tuy nhiên xuất khẩu những tháng cuối năm 2018 cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11/2018 (từ ngày 01/11 - 15/11/2018), giảm 9,2% (tương ứng giảm 2,21 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 10/2018.

Một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 249 triệu USD, tương ứng giảm 16,3%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 221 triệu USD, tương ứng giảm 8,4%; hàng dệt may giảm 218 triệu USD, tương ứng giảm 15,3%; hàng thủy sản giảm 114 triệu USD, tương ứng giảm 23,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 110 triệu USD, tương ứng giảm 13,3%... Điển hình như đối với ngành dệt may, chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước.

Tình hình nguyên phụ liệu biến động như giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam cũng gây thêm khó khăn cho toàn ngành. Ngoài ra, còn có rủi ro từ phía Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.

Đối với thuỷ sản, bên cạnh các mặt hàng vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ thì có một số mặt hàng liên tục giảm như tôm, tính đến hết tháng 10/2018, giá trị xuất khẩu tôm đạt 348 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu tôm giảm là do nhu cầu nhập khẩu thấp từ các thị trường chính. Giá tôm bị tác động bởi các yếu tố thế giới do thời tiết lạnh nhiều, các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tiêu thụ giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn, kéo theo lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng cao... Hơn nữa, cũng trong thời gian này, giá trị xuất khẩu tôm sang một số thị trường lớn như EU giảm 30,6%, Trung Quốc giảm 38%, Hàn Quốc giảm 18,4%, Nhật Bản giảm 5%. Điều này tác động lớn đến tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu trong tháng cuối năm 2018, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong việc điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế và tăng cường quản lý chặt chẽ vấn đề gian lận thương mại. Đồng thời Bộ đề ra một số nhóm giải pháp như chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

 Nguyễn Mạnh