19/01/2025 | 06:50 GMT+7, Hà Nội

Xử phạt nghiêm, kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở KD không tuân thủ quy định

Cập nhật lúc: 26/08/2020, 16:09

Chiều 25/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Dự và chỉ đạo phiên họp có Ủy viên T.Ư Đảng...

Chiều 25/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Dự và chỉ đạo phiên họp có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý – Trưởng ban chỉ đạo.

Trường hợp dương tính lại với Covid-19 sẽ không lây lan cho người khác

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 19/8 đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Nhưng trong ngày 22,23/8 ghi nhận 1 trường hợp tái dương tính (BN345) và có thông tin về một trường hợp là công dân Hà Nội nhập cảnh vào Nhật Bản có kết quả xét nghiệm dương tính. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, xác minh được 11 trường hợp F1, lấy mẫu xét nghiệm tất cả đều âm tính và đã được đưa đi cách ly. Lũy tích từ ngày 25/7 Hà Nội có 36 ca mắc mới, trong đó có 11 ca ngoài cộng đồng và 25 ca nhập cảnh.

 Toàn cảnh phiên họp. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã kiểm tra 56/80 BV công và ngoài công lập. Kết quả có 40 BV an toàn, 13 BV an toàn mức thấp và 3 BV không an toàn (chủ yếu là BV ngoài công lập và chuyên khoa mắt). Ngoài ra, phát hiện 2 BV có mức điểm an toàn thấp là BV Đông Đô và BV Đa khoa Hồng Hà.

Đối với các BV ở mức an toàn thấp, Sở Y tế tổ chức các buổi tập huấn, giao ban trực tiếp đề nghị các BV phải có giải pháp cho các tiêu chí không đạt yêu cầu. “Sở đã nghiêm khắc phê bình các đồng chí Giám đốc BV trong việc triển khai công tác phòng chống dịch và yêu cầu các Giám đốc cam kết chỉ cung cấp dịch vụ y tế khi BV an toàn. Với 3 BV không an toàn Sở Y tế đã cho dừng hoạt động” – bà Trần Thị Nhị Hà cho hay.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, Sở kiến nghị TP chỉ đạo các quận huyện tiến hành kiểm tra công tác khám sàng lọc ở gần 3.400 các phòng khám tư nhân đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn. Đây cũng là một nguy cơ lớn nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Nhận định tại phiên họp, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng ở Hà Nội “tạm thời yên tâm” vì các trường hợp Đà Nẵng đã được xét nghiệm hết. Bên cạnh đó, TP cũng đẩy mạnh giám sát các bệnh viện, các cơ sở y tế và chưa phát hiện ca nào lây nhiễm. Hà Nội vẫn tiệp tục làm tốt, kịp thời công tác khoanh vùng dập dịch.

Liên quan đến vấn đề người dân đang quan tâm, PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, vấn đề các ca “tái nhiễm” và “tái dương tính” đang được thông tin nhầm lẫn. Đây là hai khái niệm khác nhau, tái dương tính là trường hợp đã dương tính sau đó xét nghiệm là âm tính và không phải là trường hợp mắc mới. Còn tái nhiễm là khi đã mắc lần đầu khỏi bệnh và sau mắc lại. “Trường hợp dương tính lại sẽ không lây lan cho người khác. Đây là thông tin cần tuyên truyền để người dân không hoang mang” – Ông Phu nói.

“Cả một khu phố không tuân thủ các quy định phòng dịch”

Nhấn mạnh những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến làn sóng dịch thứ 2 trên thế giới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nêu là do người dân không tuân thủ việc đeo khẩu trang, không tuân thủ nghiêm ngặt việc giãn cách. “Mỗi người dân phải nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các quy định”.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các quận huyện sát sao hơn đến hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng, những tổ giám sát này đã thật sự thành lập chưa và tổ này đã hoạt động như thế nào. “Qua kiểm tra trên 1 khu phố, đoàn kiểm tra thấy các cửa hàng kinh doanh như quán phở, quán nhậu đều không tuân thủ theo các nội dung của TP. Quán nước vỉa hè đều có điếu cày, và tất cả các khách đến uống nước đều hút chung cái điếu cày này, có nguy cơ lây lan dịch cao…Vì vậy, đề nghị các quận huyện phải vào cuộc thật sự, dứt khoát xử lý nghiêm và yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh không tuân thủ theo quy định” – Ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

Về vấn đề này, nêu hạn chế người dân vẫn chưa chấp hành tốt đeo khẩu trang, hàng quán chưa đảm bảo tốt, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nói thêm: “Hôm qua có kiểm tra 1 nhà hàng ở Hoàn Kiếm, vẫn bố trí một bàn 6 người với lý do đây là người nhà. Đề nghị các quận huyện phải thực hiện nghiêm nhất là khâu kiểm tra, xử lý.

Tổ chức Khai giảng năm học mới vào ngày 5/9, không quá 45 phút

Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng thông tin, năm học 2020-2021, toàn ngành có 2.794 trường học với hơn 2 triệu học sinh, tiếp tục là địa phương có quy mô lớn nhất cả nước. Để chuẩn bị cho năm học mới và lễ khai giảng, GD&ĐT đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn liên ngành giữa 2 Sở GD&ĐT, Sở Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 đầu năm học; tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động cho năm học 2020-2021.

 Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp. 

Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện tốt 2 văn bản trên đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tổ chức tốt "Ngày hội toàn dân đón trẻ đến trường". Yêu cầu các nhà trường, trước ngày 1/9, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho năm học 2020-2021; chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, điều kiện, cơ sở vật chất, vật tư y tế theo quy định như: Nhiệt kế điện tử, khẩu trang, nước sát khuẩn, nước rửa tay…; chuẩn bị tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh; tập huấn kiến thức phòng chống dịch bệnh Covid-19…

Phối hợp với các địa phương theo dõi sức khỏe cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh để kịp thời báo cáo các trường hợp nghi ngờ. Trước ngày tựu trường, yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức khai báo y tế trên hệ thống điện tử. Các nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, học sinh, phụ huynh học sinh cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh nhằm tự bảo vệ bản thân và cộng đồng. Khi học sinh đến trường, Sở GD&ĐT cũng đã quy định đối với từng trường hợp cụ thể…

“Tất cả các trường trên toàn thành phố thống nhất tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9 theo hình thức thức trực tiếp” - Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng nhấn mạnh. Đối với cấp học tiểu học, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng không quá 45 phút (từ 7h30-8h15), đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương, thành phố và liên ngành. “Trong lễ khai giảng chú trọng đón học sinh đầu cấp, tùy theo mỗi trường, bố trí tập trung học sinh dưới sân trường hoặc ngồi trên lớp và đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang. Đặc biệt không tổ chức diễu hành, tổng duyệt, văn nghệ và không thả bóng bay” – Ông Chử Xuân Dũng nói.

Sau lễ khai giảng, học sinh lên lớp học tiết đầu tiên về giáo dục nếp sống văn minh, nội quy và công tác phòng chống dịch. Riêng cấp mầm non tổ chức khai giảng tại từng lớp học không quá 60 phút.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường tổ chức phân luồng đón đại biểu và học sinh tham dự lễ giảng theo đúng quy định. Đại biểu, cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh có biểu hiện ho, sốt không tham dự lễ khai giảng; phụ huynh học sinh không tụ tập trước cổng trường… Giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh: “Chương trình lễ khai giảng ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa và đảm bảo, an toàn phòng dịch”.

Phòng chống dịch Covid-19 là lúc để đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận Ban chỉ đạo TP sau khi kiện toàn vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả. TP xác định công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương toàn hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, với tinh thần khẩn trương, cương quyết, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến giờ phút này, TP đã kiểm soát được tình hình, mặc dù Hà Nội là địa phương có nguy cơ dịch bệnh lây lan. Trong bối cảnh tập trung phòng chống dịch bệnh, các Đại hội cấp trên cơ sở đều đã được tổ chức thành công; các Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức an toàn tuyệt đối. Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng ghi nhận ngành Giáo dục đã sớm đưa ra các phương án để tổ chức khai giảng năm học mới an toàn, trang trọng, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, lấy mục tiêu an toàn cho học sinh lên hàng đầu…

 Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại phiên họp. 

Tuy nhiên, nêu tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, kéo dài và vẫn phải thực hiện tốt; nhất là trong tuần tới có kỳ nghỉ 2/9 và khai giảng năm học mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp các ngành quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo T.Ư, TP về công tác phòng chống dịch, đặc biệt là thông báo Thủ tướng cảnh báo đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, nhất tại các bệnh viện, chung cư, nhà hàng…Yêu cầu với tinh thần kiên quyết, không để xảy ra chậm trễ trong việc xử lý, Phó Bí thư Thường trực yêu cầu người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại phạm vi mình quản lý. “Thành ủy sẽ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để đánh giá năng lực, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy quán triệt.

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở để triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ”, “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chủ động phòng ngừa các ca bệnh, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan…Đặc biệt, nâng cao hệ thống phòng dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống tuyến đầu y tế, công an, quân đội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm phòng dịch của cả hệ thống chính trị và người dân. Ban Chỉ đạo khẩn trương ban hành các quy định cụ thể phòng dịch phù hợp với tình hình từng địa phương, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị phải xử lý nghiêm đối với các đơn vị chưa làm tốt và công khai, minh bạch thông tin cho người dân biết.

Hoan nghênh một số địa phương làm tốt công tác phòng dịch, song vẫn còn địa phương chưa chấp hành nghiêm, vẫn còn hiện tượng chủ quan, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị tăng cường kiểm tra và trách nhiệm này thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương, “không có lý do gì sau Đại hội công việc lại bị chậm đi, bị ảnh hưởng”.

Nhấn mạnh đây là thời điểm giao mùa, cùng với phòng chống đại dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng. “Vừa rồi chúng ta có một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết rất đáng tiếc tại quận Nam Từ Liêm” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu và đề nghị ngành y tế, các quận huyện phải đi đầu hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh, không được đề dịch chồng dịch. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác phòng chống lũ lụt trong mùa mưa bão.

Xử lý ngay tình trạng mất trật tự tại các cổng bệnh viện

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và điểm lại tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước cũng như yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Lưu ý nguy cơ vẫn còn hiển hiện, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện 6 giải pháp trọng tâm. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện: Phát hiện, xử lý nhanh nhất, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để khi có ca bệnh mới phát sinh; xác minh, cách ly lấy mẫu F1, F2, phấn đấu 24 giờ phải hoàn thành.

 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại phiên họp. 

Các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền chỉ đạo hiện nghiêm các biện pháp bắt buộc như: người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1m, có khai báo y tế; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có phương án phòng chống dịch bệnh. “Đặc biệt các hàng ăn uống thực hiện nghiêm giãn cách 1m, khuyến khích có vách ngăn; đo thân nhiệt, khử khuẩn tay cho khác. Các quận huyện phải kiểm tra, tổng kết rõ nhà hàng nào làm tốt, nhà hàng nào còn vi phạm. Đặc biệt chú ý là các quán bia hơi hiện nay buổi chiều, tối còn rất đông” - Phó Chủ tịch UBND TP nhắc nhở.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, dừng hoạt động ngay các đơn vị không đảm bảo. Sở Y tế tiếp tục kiểm tra các cơ sở này trong tuần sau. Các quận huyện kiểm tra hết các cơ sở khám chữa bệnh để phòng ngừa nguy cơ.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các đơn vị xử lý ngay tình hình mất an ninh trật tự, “cò mồi”, lôi kéo bệnh nhân ở cửa các bệnh viện. Cho biết, trong cuộc họp với các bệnh viện Trung ương và TP vừa qua, nhiều bệnh viện đã phản ánh bức xúc và nói: “Ví dụ như quận Hoàn Kiếm có Bệnh viện Việt Đức, Phụ sản, Bệnh Viện K…phải kiểm tra, xử lý ngay từ ngày mai. Đây cũng có thể là nơi lây lan dịch bệnh”. Về việc phục vụ khai giảng, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý, đã có hướng dẫn rõ ràng, các cơ sở phải thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tuyệt đối an toàn.