19/01/2025 | 10:28 GMT+7, Hà Nội

Xử lý thế nào đối với 2 vợ chồng pha chế giấm từ axit và nước lã tuồn ra thị trường bán

Cập nhật lúc: 28/01/2019, 09:00

Quá trình kiểm tra đột xuất, CATP. Quảng Ngãi đã tiến hành thu giữ một lượng lớn chai giấm loại 1,5 lít được pha chế từ axit và nước lã sắp tuồn ra thị trường bán tại một cơ sở sản xuất không phép trên địa bàn.

Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Công an T.P Quảng Ngãi vừa tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất giấm ăn không phép và bắt quả tang gia đình bà Đặng Thị Mùa (55 tuổi) đang dùng can nhựa đựng 20 lít axit pha với nước lã làm giấm ăn.

Tại đây, lực lượng Công an đã thu giữ 100 chai nhựa loại 1,5 lít chứa giấm ăn đã đợc pha chế theo công thức trên.

Loại axit trên được xác định là axit axetic công nghiệp, nếu dùng với liều lượng lớn có thể làm dạ dày bị bào mòn. Giấm pha axit axetic công nghiệp có thể giết chết men tiêu hóa, làm độ pH trong cơ thể con người giảm, gây hại cho sức khỏe.

 Những chai nước khoáng đã qua sử dụng được bà Mùa mua lại để đựng giấm được pha chế từ axit và nước lã. Ảnh: VNE

Những chai nước khoáng đã qua sử dụng được bà Mùa mua lại để đựng giấm được pha chế từ axit và nước lã. Ảnh: VNE

Cơ sở sản xuất trên cũng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc các chất phụ gia. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Gia đình và Xã hội đã có cộc trao đổi với Thạc sỹ Luật học Vũ Tuấn – Công ty TNHH tư vấn Hưng Việt.

Theo ông Tuấn, hành vi của các đối tượng trên có thể bị xử lí theo 3 hình thức xử phạt sau:

Xử phạt hành chính:

Đối với hành vi sản xuất không có giấy phép kinh doanh:

Hành vi và biện pháp xử lý được quy định tại khoản 7, điều 1, Nghị định 124/2015/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Đối với hành vi không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của chất phụ gia:

Hành vi và biện pháp xử lý được quy định tại Khoản 3, điều 5, Nghị định 115/2018/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm quy định tại Điều này;

Xử lí dân sự:

Trường hợp sản phẩm đã được bán cho người tiêu dùng, quá trình sử dụng sản phẩm dẫn tới bị ngộ độc hoặc các tình trạng khác dẫn tới thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, kinh tế…, người bị thiệt hại có thể yêu cầu chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh bồi thường thiệt hại.

Xử lí hình sự:

Căn cứ vào kết luận điều tra của Cơ quan điều tra - Công an TP Quảng Ngãi, Chủ cơ sở sản xuất (vợ chồng bà Mùa) và chủ cơ sở kinh doanh (nhập hàng của vợ chồng bà Mùa để bán tới tay người tiêu dùng) có thể bị khởi tố và xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự:

Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;

Điều 159. Tội kinh doanh trái phép;

Đối với trường hợp Chủ cơ sở sản xuất và chủ cơ sở kinh doanh Kinh doanh không có giấy phép trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép (sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần giấy phép).

Điều 171. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

(Trường hợp Chủ cơ sở sản xuất và chủ cơ sở kinh doanh cố ý sử dụng tem, mác, nhãn hiệu trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại).

Còn nếu xét về mặt đạo đức các đối tượng trên có thể vi phạm như sau:

Đạo đức kinh doanh: Sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra tình trạng hoang mang, lo lắng, nghi ngờ của người tiêu dùng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của những cơ sở khác.

Đạo đức xã hội: Trong xã hội, là cái chung, cần phải thể hiện nhiều hành động, hành vi tốt đẹp để hưởng ứng và tạo phong trào cho những cái đẹp khác được lan rộng. Hành vi sản xuất, kinh doanh đúng chuẩn mực, quy cách, chất lượng cũng là một trong những hành vi tốt đẹp, cần lan tỏa. Ngược lại, sản xuất, buôn bán hàng giả là một trong những hành vi xấu xa, tội ác cần phải loại bỏ.

Lương tâm con người: Vì đồng tiền, các đối tượng trên đã sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng dẫn tới sự ảnh hưởng về sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, là những đồng loại của mình.

Nguyễn Đạt

 

 Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất