25/11/2024 | 07:07 GMT+7, Hà Nội

Xu hướng tăng trưởng của ngành bán lẻ hiện đại

Cập nhật lúc: 23/12/2019, 10:30

Trong một thập kỷ trở lại đây, ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như chất lượng. Xu hướng của ngành bán lẻ hiện đại cũng thay đổi nhanh chóng.

Kênh bán hàng hiện đại tăng mạnh ở các tỉnh thành

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nền kinh tế Việt Nam được coi là một “điểm sáng” khi tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 7%/năm trong năm 2019, là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Đi cùng với tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam đứng vị trí thứ ba lạc quan nhất toàn cầu (theo Nielsen – Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu của Mỹ).

Trong một thập kỷ trở lại đây, ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như chất lượng. Tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ tăng mạnh với số lượng siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tăng vọt theo từng năm, lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước chỉ trong vài năm trở lại đây.

Mặc dù ngành bán lẻ có mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây nhưng doanh thu ngành này vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn so với các nước 

Theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Các tỉnh thành tăng trưởng mạnh nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cụ thể, số lượng siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 10% (150 cửa hàng năm 2019, 136 cửa hàng năm 2018), trong khi số lượng ở các tỉnh khác tăng 23% (161 cửa hàng năm 2019, 131 cửa hàng năm 2018). Tương tự với trung tâm thương mại (TTTM), có 55 TTTM ở các tỉnh thành, nhiều hơn tổng số TTTM ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Mặc dù vậy, doanh thu lĩnh vực bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước, kéo theo là tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại chưa cao. Cụ thể, Việt Nam đạt khoảng 25% tổng mức bán lẻ, Philippines (33%), Thái Lan (34%), Malaysia (60%) và Singapore (90%).

Theo Nielsen, tính trung bình 100.000 dân cần có 1 siêu thị cỡ lớn hoặc 1 TTTM, 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình hoặc 1.000 dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Như vậy, với số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu của ngành bán lẻ hiện đại, trong khi tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ngày càng tăng lên và dân cư đô thị chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng dân số, cùng với cơ cấu dân số nước ta là dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50), các hộ gia đình có lối sống hiện đại ngày càng nhiều.

Vụ Thị trường trong nước cho rằng, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.

Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức của các nhà bán lẻ trong nước trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

Cuộc cạnh tranh doanh nghiệp bán lẻ nội – ngoại

Theo công bố của tổ chức ESP Capital về tình hình đầu tư “mạo hiểm” vào startup, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các startup ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam đã kêu gọi được số tiền lên đến 89 triệu USD, gần bằng 90% giá trị vốn đầu tư mà các startup đã gọi thành công trong cả năm 2018.

Thời gian qua, Việt Nam gia nhập các hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, hiệp định thương mại tự do với EU… cũng như Cộng đồng kinh tế ASEAN đang ngày càng mở ra triển vọng to lớn cho thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối hàng hóa. Qua đó, các hiệp định này cũng đã góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp FDI vào ngành bán lẻ hiện đại ở Việt Nam.

Ngày càng có nhiều tập đoàn bán lẻ của thế giới thâm nhập vào Việt Nam, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải tự đổi mới mình để phù hợp với thời cuộc

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25 - 30% thị phần.

Ngoài ra, tính tại thời điểm hiện tại, các khu chợ truyền thống, hộ kinh doanh bán lẻ và cửa hàng tiện lợi trải rộng trên khắp địa bàn cả nước đạt mức tăng rất mạnh so với những năm trước. Trong khi, thời gian qua, cửa hàng tiện lợi đang là kênh ưa thích của người tiêu dùng trẻ, nhất là ở thành phố.

Bên cạnh đó, khu vực nông thôn chiếm diện tích gần 80% cả nước với hơn 70% số dân Việt Nam. Đây chính là “mảnh đất” đầy tiềm năng để các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại phát triển. Cùng với tốc độ đô thị hóa, sức mua của khu vực thị trường nông thôn đang tăng lên.

Tuy nhiên, do nước ta mở cửa thị trường, các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam, gây nên áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa. Cùng với đó là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp Việt đang gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng, tạo thách thức cho thị trường.

Vì những nhà đầu tư ngoại có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần. Họ cũng đang dần quen với hình thức kinh doanh của Việt Nam và có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh ngày càng phù hợp để gia tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Theo nhận định từ phía công ty Niesel Việt Nam, các loại hình như bán hàng đa kênh, kết hợp giữa online trên nền tảng Internet và các kênh giao hàng nhanh cũng như các kênh offline truyền thống cũng vẫn là các xu thế chủ đạo và trở thành định hướng lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục phát triển kinh doanh trong tương lai.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trong nước chính là bài toán dài hạn của chính doanh nghiệp trong nước; đồng thời, đòi hỏi sự phối hợp, chung sức của cả hệ thống chính trị và ngành.