19/01/2025 | 09:35 GMT+7, Hà Nội

Xét tuyển Đại học: Tuyệt chiêu "ém hàng" của thí sinh điểm cao

Cập nhật lúc: 12/08/2015, 01:48

Trong khi nhiều thí sinh, phụ huynh lo lắng lo rút - nộp hồ sơ vì sợ trượt thì nhiều thí sinh điểm cao "ém hàng" chờ "ra tay" vào những ngày cuối.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ còn gần 10 ngày nữa để nộp và rút hồ sơ kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) đợt 1. Đến nay, nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn “bình chân như vại” tiếp tục nghe ngóng thông tin, trong khi thí sinh có mức điểm thấp hơn lại lo đi rút hồ sơ.

Đứng ngồi không yên với hồ sơ

Chưa kịp mừng vì việc cải cách kì thi trung học phổ thông Quốc gia năm nay đã giảm bớt được chi phí cho học sinh và gia đình các em khỏi phải đi lại nhiều lần tham dự các đợt thi Đại học, Cao đẳng như trước đây. 

Thì đến thời điểm này, nhiều học sinh, nhiều phụ huynh đặc biệt đối với các em ở vùng khó, các em gia đình nghèo đang than trời với quá nhiều áp lực khi bị đẩy vào ma trận nộp hồ sơ vào và rút hồ sơ ra ở các trường Đại học.

Theo Báo Giáo dục Việt Nam, với những em học sinh thi đạt số điểm cao còn yên tâm vì mình sẽ đậu thì phần lớn những học sinh còn lại đang như ngồi trên đống lửa bởi không biết mình có thể đỗ hay trượt. 

Một số em gia đình có máy tính kết nối mạng Internet còn có cơ hội ngồi tại nhà theo dõi xem số lượng hồ sơ nộp vào trường và thứ tự của mình ở đâu để tiện cho việc phán đoán mình có khả năng đỗ hay không. 

Khổ nhất là học sinh ở vùng khó khăn, mạng Internet chập chờn hay nhiều gia đình lại không có máy tính hoặc có máy tính cũng không có tiền nối mạng phải chạy ra ngoài tiệm đóng đô cả ngày, số tiền cũng không phải là ít.

Mấy ngày gần đây, nhiều phụ huynh ở nơi tôi ở đã xin nghỉ làm để đưa con vào thành phố cách nhà hàng mấy trăm cây số, nộp hồ sơ và theo dõi kết quả. 

“Đi cho yên tâm, chứ ngồi nhà cũng sốt ruột lắm, chi phí cho việc đi lại và sinh hoạt của hai người cũng rất tốn kém, sợ nguyện vọng một không đỗ sẽ nộp tiếp nguyện vọng 2,3 và tiếp tục chờ. Dù mệt mỏi cũng phải gắng đợi chứ cứ đi đi, về về còn vất vả hơn”. 

Anh Hùng phụ huynh một học sinh ở Tân An đã chia sẻ. Không may mắn như nhà anh Hùng, nhà chị Đào là gia đình thuộc hộ nghèo của xã, hôm con đi thành phố thi, bà con người cho dăm bảy chục, người cho vài trăm nên cũng đỡ.

Còn bây giờ, chị Đào phải chạy đi mượn cho con ít tiền và dặn con cứ ở lại thành phố đợi đến hết đợt xét tuyển rồi mới về không thì sẽ không có tiền đi lại.

Nhiều em khác còn tỏ ra lo lắng: “Con ở nhà theo dõi kết quả xét tuyển chỉ sợ khi biết mình trượt nguyện vọng 1 lại không kịp đi vào rút hồ sơ để nộp qua trường khác lại trượt oan thì đáng tiếc lắm”.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều học sinh đang gặp khó khăn cho chi phí đi lại, ăn ở để chờ đợi kết quả xét tuyển Đại học năm nay. 

Thí sinh áp lực trước đợt xét tuyển hồ sơ - Ảnh: Vnexpress.net

Thí sinh điểm cao “ra tay” vào những ngày cuối

Theo khảo sát của VTV, tại Hà Nội, Đại học Y Hà Nội là một trong những trường hấp dẫn nhất đối với các thí sinh đạt điểm cao. Năm nay, trường tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu và hiện đã có 900 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đây. Đại diện ĐH Y Hà Nội cho biết: số hồ sơ đã đăng ký tập trung nhiều ở các tỉnh. Chưa có nhiều thí sinh Hà Nội đến nộp hồ sơ, có lẽ vì các em vẫn còn nghe ngóng tình hình.

Cùng ở trong top đầu, còn có ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa đang hút các thí sinh điểm cao trên 26 điểm. Các trường như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Tài chính cũng nhận được nhiều hồ sơ.

Trong khi đó, với một số trường khác, lượng thí sinh đăng ký còn chưa nhiều trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Tuy nhiên, dự đoán giai đoạn này, thí sinh vẫn còn đăng ký cầm chừng và nhiều em chưa nộp hồ sơ, chờ quan sát diễn biến tình hình. 10 ngày cuối, tình hình xét tuyển sẽ sôi động hơn và cuộc chạy đua sẽ quyết liệt hơn.

Trên địa bàn TP.HCM, đến thời điểm này, nhiều trường, lượng hồ sơ nhận được gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, hiện chưa nói trước được điều gì, khi mỗi ngày lượng hồ sơ tại các trường Đại học, Cao đẳng lại biến động, nhất là số lượng rút hồ sơ tăng nhanh.

Muốn rút hồ sơ, các thí sinh phải đến trực tiếp các trường Đại học để làm thủ tục, nghĩa là phụ huynh và thí sinh ở xa lại phải tốn thêm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, sau khi rút hồ sơ, thí sinh lại chưa thể nộp vào trường khác ngay, vì các thí sinh buộc phải chờ thêm 1 khoảng thời gian nữa để thông tin được cập nhật trên mạng. Tổng thời gian rút và nộp tính ra, phải mất 2 đến 3 ngày.

Cuộc chạy đua vào các trường Đại học lúc này là giữa các thí sinh có điểm trung bình từ 21 - 23 điểm. Hiện vẫn còn 10 ngày để các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, các thí sinh cần phải tỉnh táo và cân nhắc thật kĩ, đặc biệt với các ngành có tổ hợp mới, số lượng tuyển sinh quy định chỉ là 20 - 25%. Riêng với thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện, thời gian nộp được tính theo ngày trên dấu bưu điện.

Các xu hướng trên có dẫn đến tình trạng “vỡ trận” rút hồ sơ những ngày cuối hay không, các các trường cũng phải cần tính đến./.