22/11/2024 | 09:34 GMT+7, Hà Nội

Xe điện ở chung cư: Bất tiện đi liền hệ lụy (Kỳ 1)

Cập nhật lúc: 21/02/2019, 07:00

Trong vài năm trở lại đây, trào lưu sử dụng xe chạy động cơ điện đang dần thịnh hành ở Việt Nam. Với những ưu điểm về giá thành, an toàn dễ sử dụng thì vẫn còn đó những khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm sạc xe khi người dùng sống tại các khu chung cư.

Nhu cầu đi lại của người dân hiện nay ngày một tăng cao thì càng có nhiều phương tiện giao thông được đưa vào sử dụng. Chiếm số lượng đông đảo nhất vẫn là xe máy khi nửa đầu năm 2018 đã có tới 1,6 triệu xe máy được bán ra; Việt Nam hiện nay có hơn 45 triệu xe máy các loại - một con số ‘‘giật mình’’.

Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường cho thấy hiện có khoảng 3 triệu chiếc xe điện hai bánh (xe máy điện và xe đạp điện) đang lưu hành. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 300.000 xe điện. Tuy không được ưu tiên sử dụng nhiều như xe máy, thậm chí chỉ có số lượng rất ít nhưng xe điện lại là một lựa chọn phù hợp cho đối tượng học sinh, sinh viên, những người thích ứng với công nghệ mới. Khi tham gia giao thông rất dễ để nhận thấy những chiếc xe điện di chuyển không quá ồn ào với dáng vóc nhỏ nhắn, gọn gàng.

Đau đầu vì thiếu nguồn điện

Khác với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng dầu thải khí ra ngoài, xe điện đạt được sự thân thiện và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, động cơ điện có độ bền cao hơn, ít hư hỏng và đem lại sự thoải mái cho người lái xe trong quá trình sử dụng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cản trở khi mọi người sử dụng xe điện là vấn đề về pin (cần phải sạc điện thường xuyên) và thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện. Việc sạc xe điện không dễ dàng như việc đổ xăng xe máy, ô tô, đặc biệt là với những người sống ở các khu chung cư lại càng bất tiện hơn bởi không dễ gì có thể mang xe lên nhà để sạc điện được.

Số lượng người sử dụng xe điện ngày càng nhiều

Số lượng người sử dụng xe điện ngày càng nhiều

Xe điện hoạt động chủ yếu nhờ năng lượng điện vì thế cần phải sạc trung bình hai ngày một lần. Đối với những người dân ở đất nền thì việc sạc xe điện là chuyện đơn giản vì nguồn điện ổn định, có nhiều ổ cắm. Tuy nhiên, có nhiều cư dân sinh sống tại các khu chung cư thì chỗ để xe của họ lại ở dưới hầm tòa nhà. Họ băn khoănrằng nếu mua xe điện thì hằng ngày sạc xe bằng cách nào vì ở hầm rất hiếm thấy ổ cắm điện?

Theo tìm hiểu, phần lớn các tầng hầm để xe tại các khu chung cư đều có ổ sạc điện nhưng số lượng còn ít, nhiều nơi còn cộng thêm phí sạc xe vào phí gửi xe lên đến vài trăm nghìn đồng một tháng nhưng vẫn không đáp ứng đủ ổ sạc cho người dân. Trong khi đó số lượng xe điện đang gia tăng sẽ dễ dẫn đến việc mọi người ‘‘tranh nhau sạc điện’’. Ban quản lý tòa nhà ngoài việc đảm bảo điện cho người dân sinh hoạt trên nhà giờ phải chịu thêm nỗi lo điện ‘‘dưới nhà’’.

Chị Thu Hằng (cư dân sống tại một khu chung cư ở Minh Khai , Hà Nội) chia sẻ: ‘‘Vấn đề sạc xe điện mỗi khi đi làm về khiến tôi tốn nhiều thời gian. Chỗ cắm điện ở khá xa mà dây sạc lại ngắn nên tôi toàn phải để xe ngay cạnh ổ cắm sau đó đi bộ một đoạn mới đến hầm khu mình ở. Nhiều khi ngại quá nên không sử dụng xe điện cứ vứt một chỗ, lâu ngày chỉ sợ hỏng. Nếu lắp đặt thêm nhiều chỗ cắm điện ở đều các khu thì sẽ thuận tiện hơn cho những người có xe điện như tôi’’.

Anh Thanh Đức (27 tuổi, Trương Định, Hà Nội) cho biết: ‘‘ Mặc dù không đi xe điện nhưng hằng ngày xuống hầm để xe thấy rất ít ổ điện. Có lần định tìm chỗ sạc cái điện thoại do sập nguồn mà chả tìm thấy nên tôi lại phải chạy lên nhà. Ai dùng xe điện thì phải chú ý đi tìm những nơi gần ổ điện mà để, có gì khi nào hết điện thì sạc luôn cho tiện ’’

Trên một diễn đàn nhà ở chung cư, một tài khoản thắc mắc: Người dân có nhà là chung cư thì chỉ có cách là sạc xe dưới hầm. Nếu hầm để xe không có ổ cắm điện gần đấy thì xe cũng chả dùng được, thật là bất tiện. Vì thế tôi thật sự băn khoăn không biết có nên mua xe điện hay không vì đang định dọn vào chung cư để ở.

Ngay sau đó có rất nhiều ý kiến phản hồi về nhận định trên như tháo rời cục điện mang lên nhà sạc, mang xe lên nhà…

Những nguy hiểm rình rập từ xe điện

Những nguy hiểm rình rập từ xe điện

Nguy hiểm vì ‘‘đủ’’ nguồn điện

Để sạc đầy điện cho xe cần mất khoảng từ 6 - 8 tiếng trong 12 tháng đầu tiên, sau 13 tháng thời gian sạc là 5 - 7 tiếng. Từ sau 24 tháng thời gian sạc khoảng 4 tiếng. So với việc đi đổ xăng chỉ mất vài phút thì việc sạc điện khá mất thời gian nên nhiều người đã chủ quan sạc xe qua đêm hoặc quên không rút điện khi đã đủ. Thói quen này có thể khiến bình ắc quy bị phù hỏng hóc, bảo hành gây tốn kém, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến chập cháy.

Nhiều chung cư nắm bắt cơ hội đã có dịch vụ cho cắm sạc qua đêm. Người dân chỉ cần trả thêm một khoản phí nhỏ là có thể ‘‘yên tâm’’ không sợ ‘‘mất điện’’. Điều này có đảm bảo an toàn hay không khi chất lượng của chiếc xe điện đó kém dễ gây chập điện? Công tác quản lý và trông coi diễn ra như thế nào? Khi có cháy nổ ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm? Rất nhiều câu hỏi đã được người dân sống ở các khu chung cư đặt ra liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt, hầm để xe rộng và có nhiều phương tiện khác xung quanh nếu xảy ra hỏa hoạn thì sẽ dễ lây lân nhanh và gây ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe thậm chí tính mạng con người.

Xu hướng người dân sống ở chung cư sử dụng xe điên ngày càng nhiều

Xu hướng người dân sống ở chung cư sử dụng xe điện ngày càng nhiều

Thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều vụ việc xe điện sạc dưới hầm chung cư phát nổ làm ảnh hưởng tới xe khác cũng như toàn chung cư nên số lượng người dân sống tại đây có xu hướng ít sử dụng xe điện hơn, mặc dù xe điện rất tiện lợi và tiết kiệm.

Trước đây đã có nhiều trường hợp xảy ra sự cố chập điện khi đang sạc. Một đoạn clip đã được ghi lại vào khoảng 5 rưỡi chiều ngày 29/7/2018 ở Trung Quốc cho thấy người cha và con gái đang ngồi chơi trong phòng khách thì chiếc scooter chạy điện bốc khói và bắn ra tia lửa điện. Người cha vội chạy đến rút dây sạc điện rồi ôm con gái bỏ chạy. Khói bốc lên mù mịt và chiếc xe phát nổ sau đó, bùng cháy dữ dội trong nhà. Năm 2017 tại Singapore, đã xảy ra 40 vụ cháy, tăng 9 vụ so với năm 2016, với nguyên nhân chủ yếu do pin (tác động lực mạnh vào pin, sạc quá thời gian, hoặc trục trặc ở đường điện).

Đây là những quốc gia có ngành công nghiệp xe điện rất phát triển nhưng cũng không tránh khỏi những vụ việc đáng tiếc về an toàn khi sạc điện. Bởi vậy, khi chọn mua xe đạp điện, người tiêu dùng nên chú ý tới các thông số kỹ thuật, đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra hệ thống mạch điện và bình ắc quy. Đặc biệt hạn chế việc sạc xe đạp điện vào ban đêm.

Xuân Hoàng