19/01/2025 | 06:09 GMT+7, Hà Nội

Xăng, điện tăng giá, chi tiêu thế nào?

Cập nhật lúc: 04/05/2019, 10:40

Trong khi điện vừa được tính theo giá mới thì người tiêu dùng lại được phen “sốt xình xịch” với giá xăng tiếp tục tăng gần 1.000 đồng/lít.

 

Người tiêu dùng lo lắng cho ngân quỹ gia đình trước diễn biến giá xăng tăng. Ảnh: TL

Người tiêu dùng lo lắng cho ngân quỹ gia đình trước diễn biến giá xăng tăng. Ảnh: TL

Tận dụng tối đa khung giờ thấp điểm

Bộ Công thương điều chỉnh giá điện tăng lên 8,36% vào ngày 20/3. Không ít người tiêu dùng đã “sốt xình xịch” với việc điều chỉnh tăng giá điện lần này. Không ít người tiêu dùng cho rằng, từ việc điều chỉnh tăng giá này nhiều mặt hàng khác sẽ phải “cõng” thêm mức tăng của điện mà điều chỉnh giá bán.

Tuy nhiên, theo phân tích của PGS.TS Bùi Xuân Hồi (bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội), công bằng mà nói trước khi có quyết điều chỉnh tăng giá bán điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải công khai minh bạch về đầu vào, đầu ra sản phẩm.

Do vậy quan điểm “biểu giá điện hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu thiệt” thực sự không được công bằng cho lắm.

Hơn nữa, có kêu thì giá điện vẫn cứ tăng. Do vậy, một độc giả là ông Nguyễn Khắc Duy (43 tuổi, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rằng: “Thay vì kêu than tăng giá hãy nghĩ cách tiêu dùng điện thông minh. Theo kinh nghiệm của tôi, người tiêu dùng nên sử dụng hợp lý các thiết bị tiêu hao điện như điều hòa để nhiệt độ từ 25 - 26 độ C vào ban ngày và 27 - 29 độ C vào ban đêm; kết hợp điều hòa và quạt điện cùng lúc để giảm bớt công suất điều hòa; đóng cửa để nhiệt độ không thoát ra bên ngoài. Với tủ lạnh, không nên đặt nhiệt độ quá lạnh; hạn chế số lần mở tủ lạnh; đảm bảo cửa tủ lạnh luôn kín để giữ nhiệt”.

Ngoài ra, khách hàng nên lựa chọn và sử dụng những thiết bị điện có dán nhãn ngôi sao năng lượng hoặc nhãn năng lượng; sử dụng đèn LED thay thế các loại đèn ngốn điện năng khác; tắt thiết bị điện khi không sử dụng; bảo dưỡng, bảo trì và vệ sinh thiết bị làm mát trước mùa nắng nóng, giúp thiết bị chạy ổn định hơn, hiệu suất cao và tiết kiệm điện hơn.

“Gồng mình” với giá xăng

Trong một diễn biến khác, chiều 2/5, giá xăng tiếp tục tăng chính thức gần 1.000 đồng/lít. Cụ thể, theo Liên bộ Công thương - Tài chính, sau khi đã trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5RON92 sẽ không cao hơn 20.688 đồng/lít; xăng RON95 có giá không cao hơn 22.191 đồng/lít; giá dầu diesel không cao hơn 17.695 đồng/lít; giá dầu hoả không cao hơn 16.625 đồng/lít; giá dầu mazut không cao hơn 16.002 đồng/lít. Như vậy, chỉ tính từ ngày 15/2 đến 2/5, giá xăng, dầu đã trải qua 6 lần điều chỉnh giá, từ 17.600 đồng/lít tăng lên thành 22.190 đồng/lít đối với xăng RON95 và từ 16.270 đồng/lít lên thành 20.680 đồng/lít đối với xăng E5RON92. Việc liên tiếp tăng giá này khiến không ít người tiêu dùng lo lắng đến sự thâm hụt ngân quỹ gia đình.

Chị Vũ Thị Trang (32 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Tổng chi phí các khoản cho gia đình tôi khoảng 13 triệu đồng/tháng. Trong đó, 700.000 đồng tiền ăn sáng cho 2 con, 1.500.000 đồng tiền ăn bán trú cho 2 con, tiền học thêm cho mỗi con là 700.000 đồng/tháng, tiền điện khoảng 1.000.000 đồng/tháng và ăn uống hàng ngày cho gia đình khoảng hơn 6.000.000 đồng/tháng. Đó là chưa kể chi phí ngoài dự tính như cưới, sinh nhật và các loại gia vị cho nấu nướng, thêm chi phí xăng xe thì thêm khoảng 1.500.000 đồng/tháng nữa. Với mức lương công chức như của vợ chồng tôi thì mọi thu nhập đều “khớp” với các chi phí cho gia đình 4 người. Nếu như giá các chi phí và dịch vụ đều tăng thì tôi khó biết phải xoay sở ra sao”.

Tương tự chị Trang, anh Nguyễn Xuân Hoàng (28 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hà Nội) cho biết: “Từ 700.000 đồng/tháng tiền sữa cho 2 bé sinh đôi thì bây giờ, sau khi giá xăng và điện tăng, giá tiền sữa tôi phải chi trả là gần 1.000.000 đồng/tháng. Đó là chưa kể chi phí gần 7.000.000 đồng/tháng cho cậu con trai lớp 1 chưa bao gồm tiền ăn sáng và chi phí đi viện. Nếu không có vợ tôi cùng cố gắng đi làm để hỗ trợ thì có lẽ, mức thu nhập 12.000.000 đồng tiền lương trong một tháng của tôi cũng không thể đáp ứng đủ. Đó là tôi có nhà riêng từ bố mẹ dành lại và không phải đi thuê nhà. Cũng do giá xăng và điện tăng nên bây giờ ra một số quán ăn quen, giá nước uống được làm mát đều tăng từ 8.000 - 10.000 đồng, thậm chí là 12.000 đồng/chai”.

Không chỉ lo lắng cho ngân quỹ chi tiêu gia đình trước diễn biến tính điện theo giá mới và giá xăng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều người tiêu dùng đều lo lắng về những dịch vụ, giá hàng hoá sẽ đồng loạt tăng theo. Bởi với mức thu nhập trung bình khoảng 8.000.000 - 10.000.000 đồng/người/tháng tại Thủ đô như hiện nay thì rất khó để đáp ứng đủ các chi trả cho cuộc sống gia đình trẻ.

Khung giờ cao điểm, thấp điểm dùng điện cần nhớ

Giờ bình thường, từ thứ Hai đến thứ Bảy gồm các khung giờ: Từ 04h00 - 9h30, 11h30 - 17h00, 20h00 - 22h00; Chủ nhật: Từ 04h00 - 22h00.

Giờ cao điểm, từ thứ Hai đến thứ Bảy gồm các khung giờ: Từ 09h30 - 11h30, 17h00 - 20h00; Chủ nhật: Không có giờ cao điểm.

Giờ thấp điểm: Tất cả các ngày trong tuần, từ 22h00 - 04h00 sáng hôm sau.

Bảo Loan