19/01/2025 | 10:16 GMT+7, Hà Nội

"Xã hội đã có cái nhìn khách quan, nhân ái, bao dung hơn với doanh nhân"

Cập nhật lúc: 10/10/2019, 15:48

Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tại Tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức sáng ngày 10/10.

Với trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh, Việt Nam đang có số lượng doanh nhân khoảng 5 - 7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế.

Từ 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm dần; của doanh nghiệp FDI cơ bản giữ nguyên.

Trong định hướng phát triển doanh nghiệp giai đoạn mới, Chính phủ định hướng phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. Theo đó, doanh nghiệp phát triển hiệu quả, nhân văn, vì cộng đồng, thân thiện với môi trường...

Chia sẻ tại Tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc", ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay: Toạ đàm là việc làm có ý nghĩa đúng thời điểm Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế rất tốt so với tình hình chung của thế giới, đó là nhờ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những sự đóng góp vươn lên khó khăn của giới doanh nhân Việt Nam...

Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển kinh tế tốt so với tình hình chung của thế giới. Điều đó thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước song cũng phải kể đến tinh thần vươn lên, vượt gian khổ của giới doanh nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, ít có quốc gia nào mà giới doanh nhân hình thành và phát triển đi lên trong bối cảnh rất trầy trật, khó khăn, trong rừng pháp luật, trong một tư tưởng nhìn nhận giới doanh nhân chưa tốt, thậm chí thời kỳ đầu họ bị coi là con buôn. Nhưng giới doanh nhân Việt Nam cũng đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển. Thực tế trong các kỳ khủng hoảng 1997 - 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, khủng hoảng lớn, khó khăn nhiều nhưng đổ bể không nhiều, trừ một số lĩnh vực, còn lại doanh nhân đều tự động điều chỉnh, vượt khó và ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của mình trong việc phát triển kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Chủ tịch Nam nhấn mạnh: "Điều này khẳng định vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân trong xã hội Việt Nam. Là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao có cạnh tranh lớn như Vingroup".

Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch, ngành này được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, phát triển ngành chủ yếu lại là các doanh nghiệp bất động sản làm du lịch.

Đáng mừng là hiện nay, từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến giới truyền thông và trong dư luận xã hội, quan điểm đối với giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tốt dần lên.

Trước đây, trong một hội nghị tôi đã từng nói, trong một đất nước mà người dân ghét lãnh đạo, ghét người giàu, ghét doanh nghiệp, thấy doanh nghiệp đổ bể lại vỗ tay thì không biết đất nước đó đi về đâu.

Mới đây Tổng Bí thư cũng đã có những lời động viên tới giới doanh nhân. Về mặt chủ trương chính sách của Đảng cũng có nhiều hỗ trợ.

Đặc biệt, dù là giới doanh nhân phấn đấu đóng góp thế nào, bận rộn thế nào thì cách nhìn nhận của xã hội, của truyền thông với doanh nhân cũng rất quan trọng. Và phải khẳng đinh, giới truyền thông gần đây đã nhìn nhận doanh nghiệp, doanh nhân với thái độ khách quan hơn, nhân ái, bao dung, tích cực hơn.

Để có được điều đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực cố gắng mạnh mẽ, quyết tâm của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng. Xoá bỏ đi các định kiến "làm ăn chộp giật", "bóc ngắn cắn dài". Ngoài ra pháp luật cũng chặt chẽ hơn trong quản lý và tạo cơ chế khuyến khích gia tăng sản xuất.

Trong tất cả các lĩnh vực, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều đã có những đóng góp đáng kể. Đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển mạnh, đóng vai trò lớn và quan trọng. Không thể tưởng tượng được nếu Việt Nam thiếu các doanh nghiệp tư nhân thì tình hình kinh tế Việt Nam phát triển ra sao.

Đương nhiên, vẫn còn có rất nhiều những vấn đề cần phải chỉnh sửa song những doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Sun Group, Trường Hải, Vinamilk... vẫn đang là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc, mang thương hiệu của quốc gia. Và tương lai, chúng ta mong có thêm nhiều các doanh nghiệp tên tuổi như vậy.