World Bank: Kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ khả năng chống chịu của mình
Cập nhật lúc: 05/10/2016, 22:37
Cập nhật lúc: 05/10/2016, 22:37
Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) khuyến nghị thực hiện quản lý kinh tế vĩ mô cẩn trọng nhằm giảm thiểu yếu kém, đồng thời theo đuổi các chính sách tăng trưởng hòa nhập trong trung hạn.
World Bank cho hay, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình.
Mặc dù trong 3 quý đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.
Tỉ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn.
Sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng.
Theo đó, viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.
Nhận định về tăng trưởng của các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương, dự kiến vẫn duy trì tốt trong 3 năm tới.
Nhưng các nước vẫn đối mặt với rủi ro tăng trưởng đáng kể và cần phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu yếu kém về tài chính và tài khoá.
Báo cáo của World Bank khuyến nghị các nước tập trung giải quyết các tồn tại nhằm duy trì tăng trưởng bền vững và hòa nhập trong trung hạn, ví dụ giảm yếu kém hạ tầng, giảm tình trạng suy dinh dưỡng và thúc đẩy hòa nhập tài chính.
World Bank cho hay, Trung Quốc sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi dần sang mô hình tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn, từ 6,7% năm nay xuống còn 6,5% năm 2017 và 6,3% năm 2018.
Các nước khác trong khu vực dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 4,8% năm nay, 5,0% năm 2017 và 5,1% năm 2018.
Nhìn chung các nước đang phát triển trong khu vực sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016 và 5,7% giai đoạn 2017-2018.
“Viễn cảnh tăng trưởng các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương vẫn tích cực mặc dù tăng trưởng toàn cầu suy giảm nhưng được bù lại bởi tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng mạnh” - Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, nói.
“Thách thức dài hạn là làm sao duy trì được tăng trưởng, làm cho nó trở nên thiết thực với nhiều người hơn, ví dụ thông qua thu hẹp khoảng cách về thu nhập và tiếp cận dịch vụ công, nhất là tại Trung Quốc; cải thiện cơ sở hạ tầng tại các nước khác trong khu vực; giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em triền miên; và tận dụng công nghệ để thúc đẩy hòa nhập tài chính.” - Bà Victoria Kwakwa nhận định.
Báo cáo dự đoán cầu nội địa trong toàn khu vực vẫn mạnh. Giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức thấp sẽ có lợi cho các nước nhập khẩu và giúp lạm phát kiềm chế ở mức thấp tại hầu hết các nước trong khu vực.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế đang trong quá trình tái điều chỉnh theo hướng tăng tiêu dùng và dịch vụ, dịch chuyển sang các hoạt động tạo nhiều giá trị gia tăng hơn, đồng thời cắt giảm năng lực công nghiệp dư thừa.
Ngoài ra, cũng cần chú ý kiểm soát chặt chẽ thị trường lao động hơn để tăng thu nhập và chi dùng cá nhân.
Tại Việt Nam, tăng trưởng sẽ bị suy giảm trong năm nay do bị hạn nặng nhưng sẽ tăng trở lại mức 6,3% năm 2017.
Tại Indonesia, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần từ 4,5% năm 2015 lên 5,5% năm 2018 nhờ tăng đầu tư công và thành công trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và tăng thu nhập.
Nhưng Malaysia sẽ giảm mức tăng trưởng xuống còn 4,2% trong năm 2016 từ mức 5,0% năm ngoái do mức cầu về dầu lửa và hàng chế tạo giảm trên qui mô toàn cầu.
07:04, 03/10/2016
19:35, 27/09/2016
12:08, 26/09/2016