Vụ Sabeco bị truy thu 408 tỷ đồng thuế: "Đừng để quýt làm cam chịu!"
Cập nhật lúc: 16/07/2015, 05:31
Cập nhật lúc: 16/07/2015, 05:31
Sáng 15/7 tại buổi toạ đàm về vấn đề này do Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam tổ chức, ông Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã công bố bức tâm thư "phản đối" kết luận kiểm toán.
Sự bức xúc của đại diện người lao động Sabeco lên tới đỉnh điểm khi ông Dũng nói: "Tại cuộc họp báo của Kiểm toán nhà nước mới đây, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước khẳng định có lỗ hổng pháp luật, vậy lỗ hổng đó do ai tạo ra? Nhất quyết không phải do Bia Sài Gòn tạo ra được!".
"Nếu có điều đó, các cơ quan nhà nước cần phối hợp để xây dựng các văn bản quy phạm để điều chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chứ không thể truy thu trước, sửa lỗ hổng pháp luật sau được", ông Dũng cho biết.
Ông cho biết, toàn bộ việc kê khai, nộp thuế của công ty là đã căn cứ vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008- Luật đang còn hiệu lực và Thông tư số 5 của Bộ Tài chính ban hành ngày 5/1/2012 hướng dẫn luật này. Năm 2009, hãng bia này đã có ít nhất 3 công văn gửi Cục thuế TP HCM và Tổng Cục thuế để trình bày mô hình tổ chức, đồng thời đề nghị hướng dẫn kê khai nộp thuế. Đơn vị đã kê khai, nộp thuế đúng theo các nội dung trả lời của các cơ quan thuế trên.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT của Sabeco cũng khẳng định, Sabeco là doanh nghiệp thượng tôn pháp luật. Chủ sở hữu của Sabeco là Bộ Công Thương,
"Việc truy thu thuế như thế này cực kỳ phức tạp, cho đến hiện tại chúng tôi vẫn chưa biết làm như thế nào. Hiện ban lãnh đạo công ty đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương và Bộ cũng đã chuyển sang Bộ Tài Chính, chúng tôi vẫn đang đợi phản hồi", ông Tuất bày tỏ.
Đồng thời, ông Tuất cho biết nếu Bộ Tài Chính buộc Sabeco nộp số thuế trên thì công ty buộc phải trích tiền từ lợi nhuận chưa chia, quỹ dự phòng để trả lại thuế. Tuy nhiên, Sabeco là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm tới 90%, vậy thử hỏi chúng tôi trốn thuế, lách luật để làm gì. Thưc chất là lấy tiền của nhà nước lại nộp vào nhà nước", ông Tuất phát biểu.
Đặc biệt, ông Tuất còn cho biết trong cơ cấu cổ đông hiện nay có 10% cổ đông ngoài nhà nước, nếu lấy tiền lợi nhuận đi nộp thì phải lấy ý kiến cổ đông. Bởi vì cổ tức năm 2013 đã trả cho họ, mà đã trả cho họ rồi thu lại rất khó.
"Chúng tôi sẽ làm đúng quy định phán quyết của Nhà nước, Bộ Công Thương và phán quyết của Bộ Tài Chính", ông Tuất nhấn mạnh.
Nói về việc tác động của việc bị truy thêm thuế "khủng", lãnh đạo Sabeco thốt lên: "Sau khi các báo đồng loạt đưa tin chúng tôi bị truy thuế, báo chí nước ngoài nhảy vào, cũng may mà chúng tôi chưa lên sàn chứ lên sàn rồi thì có lẽ cổ đông sẽ ồ ạt bán tháo, thị giá có thể giảm đi 20%. Bây giờ thị trường đang rất nhạy cảm".
Được biết, Sabeco đang có kế hoạch bán cổ phần theo lộ trình của Bộ Công Thương. Hiện cái tên Sabeco đang được rất nhiều các đại gia trong và ngoài nước săn đón. Vì vậy, điều lo lắng của ông Tuất cũng dễ hiễu.
Có mặt tại toạ đàm, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung mở đầu phát biểu của mình với quan điểm "không bênh bên nào” và cho biết đây là trường hợp điển hình trong nền kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân, quyền sở hữu tài sản phải rõ ràng, chắc chắn.
Ông Cung cho biết, trong nền kinh tế thị trường hiện nay việc thành lập các công ty con, công ty cháu, công ty chắt là chuyện bình thường và pháp luật cũng khuyến khích.
“Điều này tạo cho doanh nghiệp tận dụng được tiềm năng lợi thế của thị trường, giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp tận dụng được kẽ hở của chính sách, lách chỗ nọ, chỗ kia. Doanh nghiệp làm như thế, cơ quan nhà nước với trách nhiệm của mình phải tìm kiếm các công cụ hạn chế vấn đề này”, ông Cung nói.
Cũng theo ông Cung, khi đặt vấn đề Sabeco vi phạm phải chỉ thẳng Sabeco vi phạm điều nào, khoản nào cụ thể, nếu không chỉ được vi phạm điều nào tức là Sabeco không vi phạm.
Ông Cung cho rằng, hoàn thiện luật là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nếu truy thu đặt ra môi trường kinh doanh của Việt Nam rủi ro, đặc biệt đối với doanh nghiệp cổ phần hoá khi luật chơi không ổn định, nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, sợ sự can thiệp của nhà nước.
“Mỗi thay đổi như thế có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Sabeco là một ông tương đối lớn của Nhà nước, có hệ thống nên mới nói được như vậy. Giả sử đây là một người dân bình thường thì biết kêu ai?”, ông Cung đặt vấn đề.
Vị đại diện đến từ CIEM cũng cho rằng, nếu Sabeco đã niêm yết có nguy cơ sẽ sụt giảm, cổ đông bị thiệt hại, nhân chuyện này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, người dân.
Nếu Sabeco bị “truy thu” thì cơ quan thuế cũng phải chịu trách nhiệm?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, doanh nghiệp nói chung và Sabeco nói riêng không thể tự kê khai thuế mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế trên cơ sở đó mới thực hiện nghĩa vụ thuế.
“Trước khi KTNN tiến hành kiểm toán thì Sabeco vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan thuế để nộp thuế, chưa kể thi thoảng lại có các cuộc thanh tra của cơ quan thuế và đều không có kết luận về việc Sabeco thực hiện không đúng quy định. Vậy nếu kết luận của KTNN là đúng thì trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan như thuế, thanh tra thuế… sẽ như thế nào?” – Ông Cương đặt vấn đề.
Khi thảo luận luật kiểm toán sửa đổi thì có nhiều đại biểu đề cập sau khi kiểm toán mà kết quả kiểm toán có không có vấn đề gì nhưng sau đó phát hiện thì trách nhiệm của cơ quan kiểm toán đến đâu. Và trường hợp này cũng tương tự như vậy, nếu kết luận kiểm toán đúng thì trách nhiệm thuế thế nào chưa kể việc thanh tra.
Ông Cương kết luận: Công bố kết quả kiểm toán Sabeco của KTNNN vừa qua là vội vàng.
Dưới góc độ pháp luật tài chính, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết: “Riêng về thuế TTĐB, từ năm 1990 đến nay đã có 8 đạo luật, 10 nghị định và 20 thông tư chưa nói hàng chục văn bản khác nữa. Hệ thống pháp luật dày đặc như thế, doanh nghiệp không biết đâu mà lần.”. Luật sư Trương Thanh Đức cũng khẳng định Thông tư 05 có kẽ hở và khẳng định “Doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm còn Thuế, Kiểm toán chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – ông Phạm Công Tham cho rằng Sabeco thành lập các công ty thành viên năm 2008 trong khi năm 2012 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 05 nên không thể nói là doanh nghiệp lập ra chuỗi công ty con để trốn thuế. Ông Tham cũng đồng ý rằng bản chất của thuế TTĐB là đánh vào khâu sản xuất chứ không đánh vào khâu lưu thông nên Sabeco không sai trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cho đến nay, các tranh cãi về tính đúng- sai trong việc truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco vẫn chưa có hồi kết.
Trước đó, ngày 18/3, Sabeco cũng đã có báo cáo giải trình về kết luận của KTNN gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng Cục thuế và Tổng KTNN. Hãng bia này đề nghị chỉ nộp 58,5 tỷ đồng tiền thuế GTGT, TNDN, TNCN...
Nếu nộp 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB như kết luận KTNN, sẽ làm tăng thuế TTĐB ở công ty lên khoảng 3,3% thuế suất, làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty, giảm lợi nhuận 350-400 tỷ/năm, tương ứng 4.000 tỷ đồng kể từ năm 2008. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của các cổ đông, ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hoá công ty./.