19/01/2025 | 02:25 GMT+7, Hà Nội

Cơ sở nào để kết luận Sabeco trốn thuế?

Cập nhật lúc: 08/07/2015, 05:12

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc Kiểm toán Nhà nước kết luận Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trốn thuế là có cơ sở.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Sabeco đang đóng thiếu một khoản thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 400 tỷ đồng khi lấy giá tính thuế thấp hơn quy định.

Tuy nhiên, đại diện Sabeco khẳng định không sai khi bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào sản xuất chứ không phải thương mại.

Trước lý giải này của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng điều đó chưa hợp lý vì giá ở khâu sản xuất để tính thuế phải phù hợp với giá thị trường.

Theo một nguồn tin riêng cho hay, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đã làm việc với nhau về vấn đề này, nhưng tạm thời chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, sự việc có vẻ được gác sang một bên bởi câu chuyện truy thu thuế TTĐB theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được đưa ra hồi đầu năm 2015 và các bên liên quan đã phải trao đi đổi lại trước khi Sabeco tiến hành Đại hội đồng cổ đông năm 2015 vào cuối tháng 5/2015.

Trong báo cáo trình Đại hội đồng cổ đông, Sabeco cũng đã nhắc tới câu chuyện có thể bị truy thu hàng ngàn tỷ đồng thuế TTĐB xung quanh kết luận của Kiểm toán nói trên.

Theo quy định, bia sản xuất ra sẽ phải nộp thuế TTĐB với mức 50%. Dẫu vậy, chuyện áp mức giá nào để tính thuế, tránh trường hợp doanh nghiệp sản xuất bia khai giá bán ra thấp để được nộp thuế ít đi là một thách thức không nhỏ.

Theo Thông tư 05/2012/TT-BTC, nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra... Điều này có nghĩa giá tính thuế sẽ căn cứ cả vào giá cơ sở thương mại bán ra, nhằm tránh khả năng cơ sở sản xuất cố tình áp giá bán ra quá thấp để “lách” thuế.

Tại Sabeco, việc tính thuế TTĐB được thực hiện khá vòng vèo. Theo đó, Sabeco đã thành lập và bán bia của mình qua Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco (công ty con) Sabeco tính, kê khai và nộp thuế TTĐB theo giá bán ra tại công ty con này.

Nhưng Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco lại chưa bán ra cho người tiêu dùng mà bán tiếp qua các công ty cổ phần thương mại vùng (công ty cổ phần nhưng Sabeco chi phối) cũng với mức khá thấp. Từ đây, các công ty khu vực này mới bán tiếp cho đại lý cấp 1 với giá cao hơn. Đại lý cấp 1 sẽ tiếp tục bán bia Sài Gòn cho các đại lý cấp 2, các nhà hàng, người tiêu dùng...

Lý do khiến Kiểm toán Nhà nước đưa ra đề nghị truy thu hơn 408 tỷ đồng chỉ riêng cho năm 2013 là bởi Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco và các công ty cổ phần thương mại khu vực là những đơn vị thuộc hệ thống sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất là Công ty mẹ, không phải là công ty con độc lập.

Tại đây, Công ty Mẹ - Sabeco vẫn quyết định giá bán ra, nên giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của các công ty cổ phần thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco như Tổng công ty Sabeco đã thực hiện.

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, Sabeco đã thành lập tổng số 10 công ty cổ phần thương mại khu vực nhằm phân phối bia Sài Gòn (tại các công ty này, Sabeco có vốn góp từ 90 - 94%).

Chính vì vậy, trong văn bản gửi Bộ Tài chính và trong kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải nộp thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco./.