23/11/2024 | 04:28 GMT+7, Hà Nội

Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Gây hoang mang vì nhiễu loạn thông tin?

Cập nhật lúc: 07/09/2019, 08:10

Ý kiến chuyên gia cho rằng, khâu xử lý thông tin của các bên liên quan trong vụ cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông còn khá bối rối, khiến người dân hoang mang...

Ý kiến chuyên gia cho rằng, khâu xử lý thông tin của các bên liên quan trong vụ cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông còn khá bối rối, khiến người dân hoang mang về mức độ ô nhiễm thuỷ ngân trong môi trường.

Ban hành rồi lại thu hồi!

Mặc dù sự cố vụ cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) ngày 28/8 không gây thiệt hại về người nhưng đang để lại hậu quả nặng nề về mức độ ô nhiễm.

Có thể nói, vụ việc tương tự như trên chưa từng xảy ra tại Việt Nam, hơn nữa, theo số liệu quan trắc của Bộ TN&MT công bố, thì có thể chưa đến mức phải sơ tán cư dân. Tuy nhiên, ý kiến chuyên gia cho rằng, dường như, khâu xử lý thông tin của các bên liên quan còn khá bối rối.

Cụ thể, ngay sau khi vụ cháy xảy ra, UBND phường Hạ Đình đã nhanh chóng ra văn bản thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy, qua đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm đảm bảo và bảo vệ sức khoẻ cho người dân trong khu vực.

Thông báo về xử lý vệ sinh môi trường sau cháy của UBND phường Hạ Đình ra ngày 29/8, tức sau 1 ngày xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau đó thì văn bản này bị thu hồi vì lý do không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở.

Tiếp đó, Công ty Rạng Đông là đơn vị xảy ra sự cố đã có báo cáo gửi UBND quận Thanh Xuân với các nội dung: Các vật tư, nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang CLF, đèn tròn đều đạt chứng chỉ đảm bảo sức khoẻ con người, kể cả khi cháy. Bên cạnh đó, có khoảng 1,6 triệu bóng đèn compact và khoảng 480.000 bóng đèn huỳnh quang, 2 triệu sản phẩm đèn trong công suất thấp bị cháy. Ba thùng chứa hoá chất Almagam chưa cháy và nồng độ không khí ở ngưỡng an toàn.

Báo cáo của Công ty Rạng Đông về số liệu thiệt hại trong vụ cháy ra ngày 30/8, tức sau 2 ngày xảy ra cháy.

Báo cáo nhanh của Sở TN&MT Hà Nội về kết quả test nhanh các mẫu đất, khí thải, không khí, nước... đều ở mức độ bình thường.

Trong khi các đơn vị liên quan đang có báo cáo về vụ cháy thì Bộ TN&MT đưa ra khuyến cáo người dân sinh sống khu vực xung quanh công ty, đặc biệt trong bán kính khoảng 1,5 km cần thận trọng và thực hiện các biện pháp an toàn trong sinh hoạt.

Cho đến ngày 4/9, theo kết quả quan trắc mà Bộ TN&MT công bố thì hàm lượng thủy ngân xác định đã phát tán ra môi trường có khoảng 15,1 – 27,2 kg; nhiều mẫu nước, trầm tích vượt Quy chuẩn Việt Nam.

Đặc biệt, hàm lượng thủy ngân trong không khí đo được trong khuôn viên Công ty Rạng Đông đều vượt ngưỡng, từ 10 – 30 lần ngưỡng khuyến cáo của WHO, ngưỡng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và môi trường.

Ai cũng có quyền đưa ra khuyến cáo?

Nói về động thái thu hồi văn bản do "không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở", GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN thẳng thắn, về lý thì việc đưa ra khuyến nghị của UBND phường Hạ Đình là chưa đúng, bởi cần phải dựa trên những số liệu cụ thể mới nên đưa ra thông báo. Tuy nhiên, về tình thì cán bộ phường đang thể hiện sự lo lắng cho nhân dân trên địa bàn, cần phải hoan nghênh tinh thần kịp thời đưa ra cảnh báo đối với người dân. Bởi thủy ngân là chất rất độc hại.

Hiện trường vụ cháy nhìn từ trên cao.

Cũng theo GS.TS Vũ Trọng Hồng: "Qua việc này, chúng ta cần rút kinh nhiệm trong việc cung cấp thông tin mặc dù đây là vụ việc hy hữu. Một tuần qua, đã có rất nhiều luồng thông tin trái chiều về mức độ nguy hiểm của thủy ngân đối với cư dân, nhất là những thông tin trên mạng xã hội. Như vậy, càng gây hoang mang cho người dân. Qua đó, người dân hết sức tỉnh táo trước nhiều luồng thông tin trái chiều trên mạng xã hội".

Với khẳng định vụ cháy Công ty Rạng Đông là sự cố xã hội, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) thẳng thắn: "Bởi vụ cháy là sự cố rủi ro xã hội, nên ai cũng có quyền khuyến cáo trong sự hiểu biết, nhận định của mình. Tôi không tin được là có quyết định thu hồi khuyến nghị người dân. Tôi cho rằng, đây là quyết định vội vàng sau sự cố. Tôi hoan nghênh thông báo về xử lý môi trường sau cháy của cán bộ phường Hạ Đình là kịp thời, để toàn dân cùng biết là cần thiết".

Hiện trường vụ cháy đang được che chắn, cô lập.

Đồng quan điểm, GS.TS NGND Trần Hiếu Nhuệ, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường, bày tỏ: "Thay vì ban hành quyết định thu hồi thông báo của UBND phường Hạ Đình thì tại thời thời điểm cháy, UBND quận Thanh Xuân cần có thông tin bổ sung hoặc cảnh báo khách quan đến người dân, trước sự nguy hại của những chất có trong bóng đèn bị cháy".

Chia sẻ với báo chí, TS Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: "Cho đến lúc này cũng nên nhìn nhận một cách rất thực tế và khách quan là thời gian vừa qua, chính quyền cơ sở đã vào cuộc rất nhanh. Đây là vụ việc rất đáng tiếc xảy ra.

Những nội dung liên quan đến việc phòng ngừa, ứng phó sự cố từ cháy nổ chuyển sang sự cố môi trường thì trong luật bảo vệ môi trường cũng đã nhấn mạnh, đầu tiên là trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp cơ sở, chính quyền địa phương.

Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì đã để xảy ra sự cố. Có thể do yếu tố chủ quan, khách quan nhưng trước pháp luật thì Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm toàn bộ, kể cả sau này khi các cơ quan chức năng xác định được các mức độ thiệt hại, bồi thường".

"Việc cần làm bây giờ là mời hoặc kiến nghị những cơ quan chuyên về vũ khí hóa học trong quân đội đến để xem xét, đo đạc, quan trắc, kiểm tra, đánh giá, dự báo sự khuếch tán của chất độc cùng các cách xử lý chất độc. Họ sẽ xử lý bằng cách sử dụng dung môi hoặc chất gì đó để trung hòa chất độc", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.

TS Hoàng Văn Thức cho hay: "Trong báo cáo của Bộ TN&MT gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra kiến nghị là trước vụ việc trên, để phòng ngừa những sự cố tương tự, đề nghị tất cả các chính quyền địa phương, các tỉnh, thành trong cả nước tổng rà soát lại các cơ sở hoạt động, kinh doanh có chứa hoá chất độc hại, nguy hiểm. Đặc biệt là trong khu đô thị, trong khu dân cư tập trung thì phải cần có lộ trình, kế hoạch di chuyển ra khỏi khu vực, để tránh để lại hậu quả và sự cố xảy ra".