Vụ 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ: Không thể để công lý “ngủ yên”
Cập nhật lúc: 24/07/2019, 05:00
Cập nhật lúc: 24/07/2019, 05:00
5 năm nay, vụ án 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ tại địa chỉ đất 38 Tống Duy Tân luôn là một “điểm nóng” về đất đai trên địa bàn TP. Thanh Hóa. 5 năm qua, ông Lê Văn Chung và bà Nguyễn Thị Kỳ (47 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, Thanh Hóa) vẫn miệt mài theo đuổi đến cùng vụ việc với hy vọng, công lý vẫn còn tồn tại và mong được cơ quan có thẩm quyền cứu xét.
5 năm không phải là khoảng thời gian dài của một đời người, nhưng cũng đủ để khiến cho Chung bà Kỳ lâm vào cảnh khuynh gia bại sản chỉ vì khoản vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để mua thửa đất 124 đã được cấp sổ đỏ số AG 725761 đứng tên bà Nguyễn Thị Cúc địa chỉ tại 38 Tống Duy Tân (thửa đất này ông Chung bà Kỳ nhận chuyển nhượng từ bà Cúc nhưng chưa được sang tên đổi chủ).
Ngày ấy cách đây 5 năm, vì quá tin tưởng bà Lê Thị Cúc nên ông Chung, bà Kỳ đã bỏ số tiền 3,5 tỷ đồng (trong đó có 2,5 tỷ đồng tiền vay ngân hàng) để mua thửa đất trên mà không mảy may một chút nghi ngờ.
Nhưng thật không may, sau khi nhận chuyển nhượng, hộ dân này phát hiện bà Cúc được cán bộ TP. Thanh Hóa cấp 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác trái quy định của pháp luật mang số hiệu BĐ 473970, được UBND thành phố cấp “chồng” lên diện tích đã được cấp sổ đỏ trước đó (thửa đất ông Chung, bà Kỳ đã nhận chuyển nhượng từ bà Cúc)...
Bà Cúc sau đó dùng sổ đỏ nói trên chuyển nhượng cho ông Lê Xuân Trường. Ông Trường sau đó chuyển nhượng cho ông Nguyễn Xuân Biên.
Kể từ đây ông Chung, bà Kỳ bắt đầu một hành trình dài đằng đẵng đi khiếu nại để đòi lại quyền lợi của mình.
Phát hiện sai phạm “động trời”, cuối năm 2014, đầu năm 2015, gia đình ông Lê Văn Chung gửi đơn khắp nơi, đề nghị chính quyền TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa làm rõ các sai phạm có liên quan đến thửa đất 38 Tống Duy Tân, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình. Tuy nhiên, càng khiếu nại, tố cáo đến đâu thì gia đình ông lại càng thất vọng vì gặp phải dấu hiệu sự bao che sai phạm có hệ thống.
Kể từ khi nhận được lời kêu cứu của ông Chung, bà Kỳ, đã có hàng chục nhà báo vào cuộc, gần 100 bài báo, cùng nhiều chuyên gia pháp lý chỉ rõ những điểm sai trái và trách nhiệm của cán bộ thành phố trong vụ việc nói trên, nhưng cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa đã quá chậm trễ giải quyết vụ việc, khiến người trong cuộc và dư luận hết sức bức xúc, thất vọng.
Cái mà bà ông Chung, bà Kỳ, nạn nhân trọng vụ lừa đảo nói trên nhận được chỉ là sự giả dối của một số cán bộ UBND TP. Thanh Hóa. Lời kêu cứu thảm thiết của gia đình này đã có lúc rơi vào tuyệt vọng mặc dù vụ việc đúng, sai đã rõ ràng. Thậm chí, đã có lúc đơn vị có thẩm quyền ra văn bản trái luật, với mục đích “ngăn” người tố cáo đi tìm quyền lợi.
Sai phạm đã rõ, song thời điểm ông Chung, bà Kỳ gửi đơn khiếu nại tới TP. Thanh Hóa, một số cán bộ thành phố lại "liều lĩnh" đến mức báo cáo sai sự thật vụ việc lên Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cho rằng đây chỉ là sơ suất nhỏ khi không thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ khi cấp mới sổ đỏ.
Trong khi đó, bản chất của câu chuyện này là, cán bộ TP. Thanh Hóa tiếp sức cho bà Cúc lập khống hồ sơ giả mạo giấy tờ cấp nhiều giấy chứng nhận trái quy định của pháp luật. Và mặc nhiên, họ cứ lấy điều sai trái (cấp sổ đỏ trái quy định) để phủ nhận sự thật (sổ đỏ cấp đúng quy định mà ông Chung. bà Kỳ nhận chuyển nhượng từ bà Cúc), đồng thời đẩy dân ra tòa kiện nhau.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong sự việc này, lãnh đạo UBND TP. Thanh Hóa không thể “làm ngơ" trách nhiệm của mình.
Là cơ quan có thẩm quyền, chắc họ phải biết, nếu phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra. Nếu qua thẩm tra có kết luận là Giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp...
Thế nhưng, sau hàng chục lá đơn khiếu nại, kèm bằng chứng tố cáo sai phạm gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thử hỏi lãnh đạo UBND TP. Thanh Hóa đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa?
Không thể để công lý bị “ngủ yên”, ông Chung và Kỳ tiếp tục kêu cứu tới lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, mong được cứu xét. Vụ việc khiến cả hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa vào cuộc để làm rõ theo đơn của gia đình ông Chung.
Phát hiện sự việc sai trái, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo hủy các giấy chứng nhận cấp trái quy định đồng thời trả lại quyền lợi cho ông Chung, bà Kỳ; làm rõ hành vi bà Cúc dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trái quy định chuyển nhượng cho ông Lê Xuân Trường; xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan tới vi phạm. Thế nhưng tất cả chỉ đạo trên chỉ nằm trên giấy và kết quả phần thiệt thòi vẫn thuộc về gia đình ông Chung, bà Kỳ.
Từ một tiểu thương khá giả, nay ông Chung, bà Kỳ lâm vào cảnh khánh kiệt, tan gia bại sản vì nhiều năm liền đội đơn tìm công lý. Trước những búc xúc của gia đình ông, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã thành lập đoàn về giám sát vụ việc đồng thời chỉ rõ các sai phạm trong vụ việc nói trên và yêu cầu phải khởi tố vụ án hình sự.
Thế nhưng sau nhiều tháng khởi tố vụ án 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ, cán bộ có vi phạm và đối tượng lừa đảo vẫn chưa bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật với lý do:
“Đây là vụ án hết sức phức tạp, kéo dài nhiều năm nay. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án. Hiện nay chúng tôi đang xin ý kiến các ban ngành để có sự thống nhất trong việc đánh giá tài liệu chứng cứ mới khởi tố bị can được. Chúng tôi sẽ cố gắng khởi tố bị can trong thời gian sớm nhất”, Đại tá Đào Đức Minh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trả lời câu hỏi của Phóng viên liên quan đến vụ việc số nhà 38 Tống Duy Tân.
Như vậy, sau gần 4 tháng Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa có Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 62/PC01 ngày 12/3/2019 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến nay đơn vị này vẫn chưa khởi tố bị can trong vụ án. Điều này, khiến dư luận hoài nghi về sự chậm trễ và đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
Hết lần này đến lần khác, hết tháng này đến năm khác, gia đình ông Chung vẫn đi tìm và mòn mỏi chờ công lý. Vụ việc nhiều lần được chỉ đạo sát sao nhưng rồi đâu lại vào đấy, cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật vẫn cứ “ung dung” trước nỗi oan trái của người dân. Cụ thể là Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa dù nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, thậm chí cả Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo làm sáng tỏ vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. 5 năm qua, vụ việc vẫn chưa được xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đây lại bắt đầu 1 hành trình mới với ông Chung, bà Kỳ...
Sự việc trắng, đen đã rõ, nhưng sự giả dối, thiếu trách nhiệm với tài sản của người dân, ngồi “chễm chệ” trên pháp luật chính là điều một số cán bộ UBND TP. Thanh Hóa đã làm, dù họ được gọi là “công bộc”, là “đầy tớ” của dân.
Những quyết định sai trái, tắc trách như vậy, đều có thể ảnh hưởng tới tài sản của người dân, tại sao vẫn có dấu hiệu được dung túng? Kỳ án đến nay vẫn chưa có hồi kết, bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt gia đình ông đã rơi nhưng chỉ nhận lại được sự thờ ơ, lảng tránh, bao che, thoái thác trách nhiệm…
5 năm qua, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa đã làm được gì khi nhiều sổ đỏ cấp trái quy định chưa bị hủy; quyền lợi người mua bán hợp pháp chưa được giải quyết; hàng loạt các bộ thành phố bị khiển trách đến cảnh cáo vẫn tại vị như chưa hề có chuyện gì xảy ra; 5 năm với nỗi thống khổ cùng cực của người đi đòi quyền lợi nhưng chưa thấy đâu. Tất cả dường như đang trở về vạch xuất phát.
Là người theo đuổi vụ việc này từ khi mới bắt đầu, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Công ty luật TNHH AMP LEGAL không khó để nhận ra sự bất thường trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất nói trên và trách nhiệm của cán bộ trong vụ việc này.
Vị Luật sư cho rằng, để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện rất khắt khe theo quy định của pháp luật.
“Cụ thể: Đất phải có nguồn gốc hợp pháp, sử dụng ổn định, liên tục; đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế và không có tranh chấp.
Ngoài ra, khi tiến hành các thủ tục cấp Giấy chứng nhận, cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản xác minh ranh giới, niêm yết công khai… trước khi cấp.
Trong vụ việc này, việc cấp sổ đỏ BĐ 473970 bộc lộ khá nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng như, bà Nguyễn Thị Cúc không có đề nghị ghép thửa nhưng UBND TP. Thanh Hóa tự ý ghép, cấp sai diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp...
Đây là hành vi xâm phạm tới quyền lợi của người nhận chuyển nhượng là bà Nguyễn Thị Kỳ.
Mặt khác, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BĐ 473970 là trái với quy định tại Điều 3, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009.
Cụ thể: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được cấp cho người sử dụng theo từng thửa đất.
Các bằng chứng khác cũng cho thấy, sổ đỏ BĐ 473970 ngày 17/3/2011, bằng hồ sơ có dấu hiệu giả mạo chứ ký và các giấy tờ khác có liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Nguyễn Thị Cúc là sai quy định của pháp luật.
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cấp sổ đỏ khi không không thực hiện việc xác định ranh giới mốc thửa đất. Thay vào đó, cán bộ thẩm tra sử dụng biên bản xác định ranh giới mốc thửa đất lập vào năm 2009.
Nghiêm trọng hơn một số cán bộ TP. Thanh Hóa tự ý cấp sổ đỏ bằng giấy tờ giả mạo (sổ đỏ không có trang 1, bìa sổ đỏ viết bằng tay…).
Như vậy, đối với vụ việc nói trên, UBND TP. Thanh Hóa đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 473970.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BĐ 473970 là sai trên mọi phương diện”, Luật sư Kiệm cho hay.
Đề cập tới trách nhiệm của UBND TP. Thanh Hóa và các cán bộ có vi phạm trong vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho biết: “Các vi phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BĐ 473970 là rất rõ ràng.
Mặt khác, căn cứ vào kết luận thanh tra vụ việc, nếu xác định rõ sai sót trong việc cấp sổ đỏ này, UBND TP. Thanh Hóa cần thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi của người nhận chuyển nhượng hợp pháp.
Cụ thể: Điều 21, khoản 1, 2, NĐ 84/CP năm 2007 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 và khoản 4 Điều 87, NĐ 43/CP năm 2014, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2014 quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trái pháp luật nêu rõ.
2- Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tự kiểm tra và phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra.
Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra đối với Giấy chứng nhận do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp, Thanh tra cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra đối với Giấy chứng nhận do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp.
Nếu qua thẩm tra có kết luận là Giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
3- Trường hợp tổ chức, công dân phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Việc cần làm ngay lúc này là cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa cần nghiêm túc nhìn nhận những sai phạm của mình đồng thời ra quyết định thu hồi, hủy bỏ ngay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 473970 đã cấp trái pháp luật.
Khôi phục lại tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 725761 đã cấp trước đó theo đúng quy định của pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cũng cho rằng: Nếu UBND TP. Thanh Hóa trong quá trình thanh tra, xác minh, khẳng định cán bộ, cơ quan chuyên môn của giả mạo hồ sơ trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên, gây thiệt hại kinh tế cho bà Kỳ, sẽ phải khắc phục sai phạm và bồi thường cho bà Kỳ theo quy định của pháp luật.
Bởi lẽ UBND TP. Thanh Hóa có vi phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kéo dài thời hạn giải quyết khiếu nại, không kịp thời khặc phục, ngăn chặn các hành vi phạm. Cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho bà Nguyễn Thị Cúc thực hiện việc chuyển nhượng diện tích đất trên cho người khác làm cho việc giải quyết, khắc phục gặp nhiều phức tạp và khó khăn.
Mặt khác, nếu xác định rõ hành vi vi phạm của cán bộ trong việc lập khống, giả mạo giấy tờ, cơ quan chức năng cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để làm rõ trách nhiệm, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện Quốc hội nhận định, đây là vụ việc vi phạm pháp luật rõ ràng, thậm chí là rất nghiêm trọng: “Ở vụ việc này thể hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cơ quan công quyền. Cơ quan công quyền cấp sổ đỏ vi phạm pháp luật là hành vi phạm tội rõ ràng về tội làm giả hồ sơ tài liệu của cơ quan, tổ chức...
Do đó, vụ việc này phải truy tố, khởi tố những người cấp sổ đỏ trái quy định và người xin cấp sổ đỏ này để đi lừa đảo. Còn nếu chứng minh được hai bên có hành vi hợp tác với nhau (để cấp sổ đỏ trái quy định – PV) thì chứng tỏ các đối tượng là đồng phạm, phạm tội có tổ chức.
Làm được điều đó, nó không chỉ tốt đẹp cho người dân mà còn cho nền pháp luật Việt Nam. Thanh Hóa không thể có pháp luật riêng và không có nền pháp luật riêng cho địa phương nào hết. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng”, ông Nhưỡng cho hay.
20:20, 09/07/2019
06:00, 12/06/2019
19:00, 01/04/2019