19/01/2025 | 07:16 GMT+7, Hà Nội

Vụ 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ tại Thanh Hóa: 'Không thể có nền pháp luật riêng cho từng địa phương'

Cập nhật lúc: 09/07/2019, 20:20

"Vụ việc này phải truy tố, khởi tố những người cấp sổ đỏ trái quy định và người xin cấp sổ đỏ này để đi lừa đảo...", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

LTS: Hàng loạt các kết luận của UBND thành phố Thanh Hóa, thanh tra tỉnh Thanh Hóa, kết luận kiểm tra của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam sau giám sát cũng đã chỉ rõ những sai phạm liên quan đến vụ việc 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ tại số 38 Tống Tuy Tân. Những sai phạm nghiêm trọng của cán bộ UBND thành phố Thanh Hóa; hành vi gian dối, dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Cúc… cần phải khởi tố hình sự để làm rõ.

Thế nhưng, ngay cả khi có chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Thanh Hóa đích thân có công văn yêu cầu báo cáo vụ việc, sau 5 năm ông Chung, bà Kỳ (người nhận chuyển nhượng hợp pháp thửa đất nói trên) vụ việc vẫn chưa được xử lý triệt để.

Liện quan tới vụ việc nêu trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội.

PV: Thưa ông, vụ việc 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ tại số nhà 38 Tống Duy Tân (P. Lam Sơn, TP. Thanh Hóa) được dư luận hết sức quan tâm thời gian vừa qua. Là Đại biểu Quốc hội, ông đã từng nghe và xem rất nhiều chương trình phát sóng về vụ việc này, ông đánh giá thế nào về công tác giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thanh Hóa?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng, việc giải quyết tố cáo và xử lý vụ việc này quá chậm trễ và gây ra sự bức xúc trong dư luận, bởi lẽ có rất nhiều bài báo đã phản ánh vụ việc này nhưng cơ quan có thẩm quyền không giải quyết dứt điểm. Rõ ràng, báo chí và nhân dân đã, đang thực hiện việc giám sát mà cơ quan công quyền không chuyển động là có vấn đề. Dư luận cho rằng, ở vụ việc này chắc chắn có dấu hiệu bao che, bảo kê cho hành vi vi phạm. Điều này chúng ta không khó để nhận ra.

Qua theo dõi, tôi cho rằng, đây là vụ việc vi phạm pháp luật rõ ràng, thậm chí là rất nghiêm trọng. Tại 1 đô thị của tỉnh mà cấp 4 sổ đỏ chồng lên nhau rõ ràng là có vấn đề. Theo quy định, 1 miếng đất chỉ được cấp 1 sổ đỏ chứ không được cấp sổ thứ 2. Nếu có sổ thứ 2 thì chỉ là bản công chứng. Sổ đỏ công chứng cũng chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định theo quy định của pháp luật chứ làm gì mà có những câu chuyện như trên.

Ở vụ việc này thể hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cơ quan công quyền. Cơ quan công quyền cấp sổ đỏ vi phạm pháp luật là hành vi phạm tội rõ ràng về tội làm giả hồ sơ tài liệu của cơ quan, tổ chức...

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Điều này thể hiện rõ, thứ nhất: Cơ quan công quyền cấp nhiều sổ đỏ trái quy định của pháp luật, trong đó (cán bộ) có hành vi tẩy xóa, chỉnh sửa hồ sơ. Rõ ràng đây là hành vi cố ý vi phạm. Cũng không loại trừ việc, người vi phạm này có thông đồng móc ngoặc hoặc tham nhũng, thậm chí có vấn đề hối lộ, nhận tiền để anh thực hiện hành vi cấp sổ đỏ (trái quy định pháp luật). 

Thứ hai, người phụ nữ (bà Nguyễn Thị Cúc - PV) này đã dùng sổ đỏ (cấp trái quy định pháp luật) để thực hiện các giao dịch khác. Như vậy ở đây có hai quan hệ pháp luật đều là những quan hệ vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng. Vụ việc đã được báo chí nêu rõ ràng, đồng thời đã đưa ra những đánh giá, phân tích, bình luận rất sâu nhưng cơ quan công quyền không xử lý dứt điểm. Điều này cho thấy sức ì của cấp có thẩm quyền xử lý vụ việc. Vụ việc cũng khiến cử tri và nhân dân hình dung được rằng, đây chắc chắn là một (đường) dây vi phạm chứ không phải là vi phạm thông thường.

PV: Đây là vụ việc đầu tiên mà Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng hệ thống chính trị của tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiều lần đối thoại với người dân, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra được phương án để xử lý triệt để. Một số ý kiến của cơ quan công quyền cho rằng, sổ đỏ cấp sai không thể thu hồi được vì đã qua giao dịch mua bán chuyển nhượng, đồng thời không chứng minh được việc các cán bộ thành phố Thanh Hóa cố ý làm sai. Ông nghĩ sao nếu cơ quan công quyền đẩy người dân ra tòa tự xử lý với nhau? Liệu vụ việc có thể giải quyết theo hướng này được không?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng, cách xử lý như vậy là chưa hợp tình, hợp lý. Như tôi đã khẳng định nêu trên, việc cấp nhiều sổ đỏ trái quy định pháp luật là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là hành vi phạm tội chứ không phải hành vi thông thường và không cần thiết phải chứng minh có vụ lợi trong việc cấp sổ này hay không. Nhưng dư luận thì cho rằng, không thể không có vụ lợi trong vụ việc này.

Sổ đỏ không phải chỉ là tờ giấy mà nó là chứng nhận quyền sử dụng đất. Mỗi sổ đỏ được coi là gắn liền với 1 thửa đất. Vậy nhiều sổ đỏ (cấp trái quy định) có giá trị bao nhiêu tiền, để mỗi lần cấp như vậy thì người ta có điều kiện đi lừa đảo người khác? Như vậy đây là hành có dấu hiệu tiếp tay và đồng phạm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời vụ 1 thửa đất cấp 4 sổ đỏ.

Việc xử lý của cơ quan thẩm quyền như cách phóng viên đặt vấn đề nêu trên là cách "đánh bùn sang ao". Cán bộ của anh cấp nhiều sổ đỏ trái quy định pháp luật mà ai lại bảo là không thể thu hồi được? Thế cơ quan của anh sinh ra chỉ đi cấp thôi à? Cái gì làm sai thì thôi à? Đánh bùn sang ao, hòa cả làng hết à? Rõ ràng, theo quy định của pháp luật, thì anh cấp sai sổ đỏ thì phải thu hồi – đó là trách nhiệm của anh, không cần phải để cơ quan khác xử lý. Làm như thế mới là cơ quan nhà nước, vì nhân dân phục vụ chứ!

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Cúc - người phụ nữ dùng sổ đỏ (cấp trái quy định) để thực hiện hành mua bán thì những người khác mua là mua trong tình trạng lừa đảo? Tại sao anh lại công nhận hành vi đó là hành vi giao dịch dân sự đúng?

Cho nên tỉnh Thanh Hóa xử lý vụ việc nêu trên là không thấu tình đạt lý. Vụ việc này phải truy tố, khởi tố những người cấp sổ đỏ trái quy định và người xin cấp sổ đỏ này để đi lừa đảo. Còn nếu chứng minh được hai bên có hành vi hợp tác với nhau (để cấp sổ đỏ trái quy định – PV) thì chứng tỏ các đối tượng là đồng phạm, phạm tội có tổ chức.

PV: Ông có nghĩ rằng, nếu tỉnh Thanh Hóa giải quyết được điều mà như ông mong muốn thì nó sẽ mang một ý nghĩa hết sức tốt đẹp cho người dân không?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Làm được điều đó, nó không chỉ tốt đẹp cho người dân mà còn cho nền pháp luật Việt Nam. Thanh Hóa không thể có pháp luật riêng và không có nền pháp luật riêng cho địa phương nào hết. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện đúng trách nhiệm của mình không chỉ vì quyền lợi của những người có liên quan trong vụ việc này hay trách nhiệm pháp lý của người trong cuộc, mà còn là bài học về sự cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục đối với những người khác đã vi phạm và những người chưa bị lộ.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Năm 2014, vợ chồng ông Lê Văn Chung (trú tại 47 Tống Duy Tân, Lam Sơn, Thanh Hóa) nhận chuyển nhượng hợp pháp từ bà Nguyễn Thị Cúc thửa đất số 124, ký hiệu AG 725761, địa chỉ 38 Tống Duy Tân với số tiền 3,5 tỷ đồng, sau khi thửa đất này được xóa thế chấp tại Qũy tín dụng nhân dân Trung ương ngày 18/4/2011 (thửa đất ông Chung nhận chuyển nhượng từ bà Cúc chưa được sang tên cấp sổ đỏ).

Tuy nhiên, ngày 6/8/2014, ông Chung phát hiện bà Cúc có một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khác số BĐ 473970, do UBND TP. Thanh Hóa cấp ngày 17/3/2011, cấp chồng (ghép thửa 117+124=345m2) lên diện tích đất vợ chồng ông đã nhận chuyển nhượng hợp pháp thửa đất 124 từ bà Nguyễn Thị Cúc.

Bà Cúc sau đó dùng sổ đỏ cấp sai quy định chuyển nhượng cho ông Lê Xuân Trường (sổ đỏ này cũng được kết luận cấp sai quy đinh); ông Trường sau đó chuyển nhượng cho ông Nguyễn Xuân Biên. Các vi phạm có liên quan của cán bộ thành phố Thanh Hóa trong vụ việc nói trên hiện đang được cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ.