19/01/2025 | 10:38 GMT+7, Hà Nội

Vốn FDI vào bất động sản tăng mạnh nhưng… đã đủ?

Cập nhật lúc: 27/02/2019, 06:27

Những năm gần đây, bất động sản đã trở thành một trong những lĩnh vực dẫn đầu trong việc thu hút vốn FDI. Song theo TS. Bùi Quang Tín, dòng vốn ngoại này vẫn chưa đủ lực để giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển theo như kỳ vọng đặt ra.

Vốn FDI vào bất động sản tăng mạnh

Theo thống kê của cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối năm 2018, lĩnh vực bất động sản đã thu hút gần 6,6 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, tăng gấp đôi so với năm trước. Theo đó, bất động sản chỉ xếp thứ 2 sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cũng theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, FDI vào bất động sản đứng thứ nhất tại Hà Nội và đứng thứ hai tại TP.HCM. Trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản luôn đứng ở vị trí Top 3.

Trước bối cảnh, nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế từ tín dụng ngân hàng trong nước, dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời và đắt giá cho các chủ đầu tư phát triển dự án. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vốn FDI không chỉ trở thành nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung cho lĩnh vực bất động sản mà còn tạo ra nhiều cơ hội và giá trị cho các doanh nghiệp địa ốc.

Lượng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giai đoạn 2011-2018. Năm 2018, lượng vốn FDI đạt kỷ lục 6,6 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực này. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.

Lượng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giai đoạn 2011-2018. Năm 2018, lượng vốn FDI đạt kỷ lục 6,6 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực này. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.

“FDI là nguồn vốn bổ sung, cực kỳ quý giá cho lĩnh vực bất động sản. Khi các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận FDI đồng nghĩa với việc chúng ta có cơ hội tiếp nhận phong cách kiến trúc, đẳng cấp tiện ích, dịch vụ. Chúng ta học được kỹ năng về năng lực quản trị. Chúng ta cũng nâng cao được tính minh bạch trong thông tin. Đây là tín hiệu tốt đối với các chủ đầu tư và khách hàng”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Dẫn giải về sức hút của vốn FDI, ông Châu đưa ra ví dụ điển hình: “Vốn FDI còn mang tới sự dịch chuyển nguồn nhân lực đến Việt Nam. Năm 2018, chưa bao giờ phân khúc văn phòng cho thuê hạng sang tại TP.HCM có tỷ lệ khai thác từ 96% trở lên và hạng B cũng trên 90%. Nhu cầu về bất động sản công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ.”

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đưa ra dự báo, năm 2019, bất động sản sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI mạnh hơn nữa nhất là trong bối cảnh tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc Việt Nam gia nhập CPTPP.

“Doanh nghiệp cần tạo dựng các mối liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước dẫn đầu trong việc bỏ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, các doanh nghiệp địa ốc cần thu hút nguồn vốn tiềm năng từ Hoa Kỳ và Úc", ông Châu nhấn mạnh.

… nhưng chưa đủ?

Đánh giá về những lợi ích mà vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, TS.Bùi Quang Tín (CEO Trường Doanh nhân Bizlight) cho rằng, dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính. Tuy nhiên, TS. Bùi Quang Tín quan ngại về những mặt trái mà dòng vốn FDI tạo ra mà điển hình như chưa đủ và chưa thực sự giúp cho thị trường này phát triển theo đúng kỳ vọng.

Lý giải về điều này, ông Tín phân tích, trong quá trình hợp tác, khi không đủ nguồn vốn, doanh nghiệp lấy cớ viện lý do thủ tục khó khăn để tiến hành giảm quy mô, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian. Một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài tiến hành chuyển nhượng quỹ đất lấy lời cao hoặc mục đích chiếm dụng quỹ đất lớn ở vị trí đẹp.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

TS. Bùi Quang Tín cho rằng, việc thu hút vốn FDI vào bất động sản còn đưa tới thách thức cho các doanh nghiệp nội cũng như đối với quốc gia khi đất là nguồn tài nguyên quý giá. “Vì vậy việc tính toán đến lợi ích lâu dài của đất nước, của các doanh nghiệp địa ốc trong nước, của môi trường sống cho các thế hệ tương lai cần đặt lên hàng đầu khi cân nhắc ưu đãi các dự án FDI”.

Để giải quyết tình trạng này, theo TS. Bùi Quang Tín, “Cơ quan quản lý cần đánh giá lại các dự án chậm triển khai hoặc thu hồi các dự án chậm tiến độ để tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm năng”.

Triệu Vương