19/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Vốn FDI vào bất động sản tăng gần 2 lần

Cập nhật lúc: 05/10/2022, 13:30

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho biết, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng gần gấp đôi so với con số của cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2022, cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Các khu công nghiệp tại hai đầu cầu kinh tế lớn đạt tỷ lệ lấp đầy cao, cùng nhiều dự án mới tiềm năng được triển khai.

Cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. (Ảnh minh họa)
Cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. (Ảnh minh họa)

Những tín hiệu tích cực từ các hiệp định thương mại tự do, sự ổn định của đồng Việt Nam hay chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh là một trong các yếu tố, quyết định mức độ hấp dẫn của nền công nghiệp đối với vốn đầu tư nước ngoài.

Thống kê do Savills Việt Nam công bố vào tháng 9, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã được lấp đầy gần như hoàn toàn. Với ưu thế về cơ sở hạ tầng và giao thông, quỹ đất dành cho công nghiệp tại hai khu vực này cạnh tranh hơn và vô hình trung đẩy giá thuê cao hơn.

Giá thuê tại Hà Nội hiện nay đạt mức gần 140 USD/m2, cao nhất tại miền Bắc. Tương tự, giá tại TP.HCM đã vượt ngưỡng 200 USD/m2 và đứng đầu trong khu vực miền Nam. Trong khi đó, các tỉnh lân cận vẫn có dự án trống và ở mức giá mềm hơn và hứa hẹn sẽ là lựa chọn thay thế của nhiều nhà đầu tư.

Xét riêng khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, nguồn cung đất công nghiệp đã có sự thay đổi. Nếu như trong năm 2021, Bắc Ninh dẫn đầu về tổng diện tích thì đến nay Hải Phòng đã vươn lên vị trí thứ nhất, nhờ dự án Deep C Hải Phòng III mới ra mắt. Tuy nhiên, Bắc Ninh vẫn sở hữu nhiều dự án nhà xưởng xây sẵn nhất, gần gấp đôi Hải Phòng đang đứng ở vị trí thứ hai. Khi nguồn cung tại Hà Nội không còn, các nhà đầu tư có thể cân nhắc chuyển hướng sang những tỉnh lân cận như Hưng Yên và Hải Dương.

Tại vùng kinh tế phía Nam, bức tranh bất động sản công nghiệp năm 2022 đang tương đồng với cùng kỳ năm trước. Bình Dương là tỉnh có diện tích đất công nghiệp lớn nhất với hơn 7.000 ha và đã được lấp đầy gần hết. Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An đã có những dự án mới gia nhập thị trường trong quý vừa qua, nhưng các tỉnh và thành phố còn lại như TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đều khan hiếm nguồn cung. Về dự án nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, Bình Dương đang dẫn đầu về tổng diện tích với giá cho thuê xấp xỉ một nửa so với các dự án tại TP.HCM.

Đứng trước làn sóng công nghiệp vào Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra những định hướng phát triển và bổ sung nguồn cung bất động sản trên cả nước. Trong 2 quý đầu của năm 2022, đã có 9 khu công nghiệp mới được phê duyệt và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2023-2025 với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 29,4 nghìn tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, UBND Thành phố đã phê duyệt đề án thành lập 2-5 khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 tại Sóc Sơn, Đông Anh, Bắc Thường Tín, Phú Nghĩa và Phụng Hiệp.

Ông Matthew Powell cho rằng tình trạng khan hiếm nguồn cung tại các tỉnh thành lớn vừa là thách thức vừa là cơ hội. Tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối cùng giá thành tăng cao đã phản ánh mức độ và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Điều này mở ra cánh cửa để các nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước đưa ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nguồn cầu trong thị trường. Đặc biệt, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài lớn như Tập đoàn LEGO từ Đan Mạch hay Tập đoàn YSL từ Hàn Quốc... đang nâng tầm chất lượng và tiêu chuẩn của các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ rõ vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản theo đầu tư mới hiện vẫn có 2 vướng mắc cần tháo gỡ.

Trước tiên là việc chỉ có các dự án kinh doanh xây dựng nhà để bán kết hợp với cho thuê mới được giao đất, việc bồi thường giải phóng mặt bằng do Nhà nước thực hiện nhưng rất chậm mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có quyền thỏa thuận hoặc thương lượng với người dân. Cùng đó, các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước, gặp nhiều khó khăn, một trong những lý do là không được thỏa thuận trực tiếp với người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, thực trạng này dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua phải tìm kiếm các đối tác hoặc không giao nhận chuyển nhượng hoặc chuyển nhượng một phần dự án bất động sản. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng thời gian qua.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/von-fdi-vao-bat-dong-san-tang-gan-2-lan-71904.html