19/04/2024 | 08:11 GMT+7, Hà Nội

Vinpearl Safari Phú Quốc có 14 con tê giác đi mượn

Cập nhật lúc: 25/02/2016, 21:21

Vinpearl Safari Phú Quốc có 14 con tê giác và một số loài thú khác mượn từ vườn thú Mỹ Quỳnh, Long An...

 

Ngày 24-2, ông Đỗ Văn La - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An - xác nhận việc Công ty cổ phần vườn thú Mỹ Quỳnh (ấp Đức Hạnh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có chuyển đến Phú Quốc 14 con tê giác.

Ông Lâm Phúc Hoành - giám đốc Công ty cổ phần vườn thú Mỹ Quỳnh - cũng xác nhận với Tuổi Trẻ về việc đã cho Vinpearl Safari Phú Quốc mượn 14 con tê giác và một số loài thú khác.

Ông Hoành cũng cho biết: vườn thú Mỹ Quỳnh có quy mô rộng hơn 50ha và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến khoảng năm 2017 mở cửa hoạt động. Tất cả thú nhập về của đơn vị đều đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Thông tin thêm về xuất xứ của số tê giác trên, ông La cho biết 14 con tê giác này có nguồn gốc từ châu Phi.

Do cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện nên trước đây khi nhập số tê giác này về, vườn thú Mỹ Quỳnh đã gửi chúng cho một đơn vị ở TP.HCM giữ, sau đó mới đưa về cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An vào cuối tháng 10-2015.

Đến ngày 21-12-2015, Chi cục Kiểm lâm Long An cấp phép di chuyển cho 14 con tê giác, 6 con hổ và 8 con sư tử từ vườn thú Mỹ Quỳnh về Phú Quốc. Được biết, hiện tại vườn thú Mỹ Quỳnh vẫn còn 2 con hổ trắng, 2 con tê giác và 1 con sư tử.

“Do đây là thú của doanh nghiệp sở hữu nên việc chuyển mượn là quyền của họ, kiểm lâm chỉ quản lý thú trên địa bàn, nên khi vườn thú Mỹ Quỳnh liên hệ để nhập thú về Long An từ TP.HCM thì chúng tôi chỉ có trách nhiệm kiểm tra, đủ điều kiện thì cho nhập về. Đến khi xuất đi cũng vậy” - ông La 
nói thêm.

Công ty cổ phần vườn thú Mỹ Quỳnh được cấp giấy phép hoạt động từ cuối năm 2011, đến đầu năm 2014 UBND tỉnh Long An phê duyệt đồ án quy hoạch vườn thú do công ty này làm chủ đầu tư. Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Cites tại Việt Nam xác nhận: 14 con tê giác trên và một số loài khác tại vườn thú Mỹ Quỳnh đều có nguồn gốc rõ ràng, được Cites cấp 
giấy phép.

Cùng ngày, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo chính thức về tình hình hoạt động của vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc.

Trong báo cáo, sở khẳng định Vinpearl Safari Phú Quốc tuân thủ đầy đủ các quy định về nhập và chăm sóc, quản lý các loài động vật có nguồn gốc từ 
nước ngoài.

Vinpearl Safari Phú Quốc có 14 con tê giác đi mượn 
Tê giác tại Vinpearl Safari Phú Quốc - Ảnh: Duy Khánh

 

Cụ thể, hiện vườn thú này chăm sóc và nuôi dưỡng 104 loài động vật bao gồm: thú, chim và bò sát. Trong đó có 56 loài nhập khẩu (25 loài được cơ quan quản lý CITES cấp phép) và 48 loài có nguồn gốc trong nước.

Tại vườn thú có 14 con tê giác có nguồn gốc do công ty hợp tác với vườn thú Mỹ Quỳnh ở tỉnh Long An để trưng bày. Vườn thú đang làm thủ tục xin nhập tê giác ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Sở NN&PTNT, tổng số động vật Vinpearl Safari Phú Quốc nhập về là 2.236 con. Đã có 108 con chết do ảnh hưởng của quá trình di chuyển, một số giảm sút sức khỏe do chưa thích nghi môi trường, thổ nhưỡng và khí hậu. Không có loài thú quý hiếm nào (tê giác, hổ, sư tử, báo) bị chết. Toàn bộ động vật bị chết được xử lý đúng quy định.

Ngoài ra có 135 con khỉ đuôi dài sổng chuồng do kích thước nhỏ so với thiết kế chuồng nuôi. Trong khi đó, có 12 động vật khác vừa được sinh tại vườn thú nên tổng cộng số lượng động vật hiện có tại đây là 2.004 con.

Báo cáo của Sở NN&PTNT cũng khẳng định không có việc nhân viên tháo chạy khỏi vườn thú như thông tin trên mạng đã nêu.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Vinpearl Safari Phú Quốc trước đó đã xin phép nhập một số thực vật không phải loài bản địa và có nguồn gốc nước ngoài nhưng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) không đồng ý.

Qua kiểm tra, hiện tại trong phạm vi dự án chỉ trồng các loài cây bản địa trên địa bàn huyện Phú Quốc.

 

NLink nguồn: Tuổi trẻ