Vinaconex “vỡ trận” - điềm được báo trước?
Cập nhật lúc: 31/03/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 31/03/2019, 06:00
Cuộc “nội chiến” được dự báo từ trước
Sau khi Nhà nước thoái vốn, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 11/1/2019. Cơ cấu cổ đông Vinaconex thay đổi khi cổ đông lớn chiếm 87% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) giữ 21,3% vốn và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) nắm 7,57% vốn.
Trước đó, An Quý Hưng là nhà đầu tư đã chi gần 7.400 tỷ đồng (cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng) để giành chiến thắng trong phiên đấu giá 57,7% cổ phần của Vinaconex. Còn Cường Vũ thì sở hữu 21,28% thông qua việc mua lại cổ phần Vinaconex từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cuối tháng 11/2018 và Star Invest mua lại 7,57% cổ phần từ PYN Elite Fund trong phiên giao dịch ngày 24/12/2018 trên sàn chứng khoán.
ĐHĐCĐbất thường đã bầu ra 7 thành viên của Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Đào Ngọc Thanh, người đại diện cho phần vốn của An Quý Hưng, được bầu làm làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ 2017 - 2022. Có thể thấy, việc xung đột lợi ích có lẽ bắt đầu từ sự phân chia quyền lực giữa các nhóm cổ đông tại Vinaconex.
Cụ thể, nhóm An Quý Hưng kiểm soát toàn bộ quyền lực tại Vinaconex bằng việc ông Đào Ngọc Thanh ngồi ghế Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Xuân Đông là Tổng giám đốc. Còn nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest chỉ có 2 người là thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà, Phó tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC). Ngoài ra, nhóm cổ đông Cường Vũ cũng có thêm 2 thành viên trong Ban kiểm soát mới của Vinaconex gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.
Hơn nữa, Cường Vũ và Đầu tư Star Invest trước đó đều là những nhà đầu tư đã mua trượt trong phiên đấu giá gần 58% cổ phần Vinconex do SCIC sở hữu. Sau khi kết quả đấu giá cổ phần Vinaconex được ngã ngũ, 3 cổ đông mới xuất hiện đã chiếm gần 90% cổ phần Vinaconex.
Nhìn vào kết quả bầu HĐQT, có thể nóiAn Quý Hưng thể hiện tham vọng giành quyền lực tại Vinaconex. Tuy nhiên, đối trọng của An Quý Hưng chính là 2 cổ đông lớn còn lại - Cường Vũ và Star Invest. Điều này thể hiện rõ tạiĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 11/1. Thời điểm đó nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục triệu tập đại hội quá vội vã, tài liệu đại hội không công bố trước cho cổ đông là sai quy định, cả chục ứng viên HĐQT và Ban kiểm soát được ứng cử mà không công bố lý lịch trích ngang cho cổ đông từ trước.
Có cổ đông đã phát biểu cho rằng đại hội triệu tập không hợp lệ. Theo đó, An Quý Hưng mới trở thành cổ đông của Vinaconex từ ngày 4/12/2018. Do vậy, chưa đủ điều kiện sở hữu cổ phần phổ thông liên tục ít nhất 6 tháng để yêu cầu HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ theo quy định của Điều lệ công ty. Như vậy, việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 là không phù hợp điều lệ.
Đỉnh điểm của việc xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông xảy ra khi Cường Vũ và Star Invest đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội), yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Căn cứ vào yêu cầu trên và các chứng cứ, tài liệu có liên quan, ngày 27/3, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Tổng Công ty Vinaconex tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, với các điều khoản về bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của Vinaconex nhiệm kỳ 2017 - 2022.
“Điểm sáng” nào sau khi mâu thuẫn bùng nổ?
Trên thực tế, đã không ít doanh nghiệp từng có giai đoạn đình trệ khi mà nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung và phủ quyết lẫn nhau. Điều này khiến cho hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm.
Nhìn vào Vinaconex thời điểm này, giới đầu tư có lý do để e ngại khi cuộc “nội chiến” chưa biết đến khi nào kết thúc. Minh chứng rõ ràng nhất, ngay sau khi có thông tin Tòa án Nhân dân quận Đống Đara quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên,cổ phiếu Vinaconex (HNX: VCG) đã liên tục giảm sàn.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, đây không phải là lần đầu Vinaconex rơi vào “mớ bòng bong”. Còn nhớ giai đoạn cuối năm 2012, có lẽ đây là thời kỳ đen tối nhất của Vinaconex khi bức tranh tài chính của Tổng công ty trở nên “xám xịt”. Doanh thu toàn Tổng công ty đạt 12,6 ngàn tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2011, lợi nhuận trước thuế đạt 193 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2011 và cổ đông không có cổ tức.
Đặc biệt, Vinaconex đã phải gồng mình sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động và trả lãi vay cho dự án Xi măng Cẩm Phả cũng như khoản nợ trái phiếu 2,3 ngàn tỷ đồng đã khiến công ty kiệt quệ và có chiều hướng mất khả năng thanh toán.
Xét về nguyên nhân, việc Tổng công ty mất uy tín trong làng xây dựng, bất động sản có phần lớn trách nhiệm do lãnh đạo. Đã từng có nhiều đồn đoán, việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió của Vinaconex là do thiếu sự đoàn kết trong dàn lãnh đạo, tư duy nhiệm kỳ… Chính vì thế, không ít nhữngdự án của "đại gia" bất động sảnnày vướng tai tiếng, gây bức xúc cho các nhà đầu tư và người dân.
Đơn cử, từ cuối năm 2012, hàng chục khách hàng Splendora đã kéo tới trụ sở yêu cầu gặp lãnh đạo Vinaconex, và kiến nghị dừng hoàn thiện nhà, trả tiền thu không đúng của khách hàng… Việc kiến nghị của khách hàng dự án Splendora đã diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên những yêu cầu của khách hàng vẫn chưa được phía chủ đầu tư giải quyết.
Một dự án nổi đình đám khác làđường ống dẫn nước Sông Đà - niềm tự hào của Vinaconex đã vỡ đến lần 15, dẫn đến hàng triệu người dân khu vực Tây Nam Hà Nội mất nước triền miên. Chỉ khi những người thợ thi công đào đất để khắc phục sự cố thì việc làm ăn gian dối của Vinaconex mới được phơi bày. Mặc dù lãnh đạo cao cấp của Vinaconex không có ai liên đới, song 9 lãnh đạo các công ty con Vinaconex đã bị khởi tố, bắt giam.
Mới đây nhất, Vinaconex bị người dânKhu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính phản đối việc điều chỉnh quy hoạch, xây tòa cao ốc 18 tầng tại ô đất có ký hiệu CN.
Trong khi đó, khu đô thị mới này đang ngày một nhếch nhác, quá tải và chất lượng xây dựng các tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng (ví như cụm chung cư N05).
Được biết, người dân đã gửi nhiều đơn kiến nghị đến các cơ quan ban ngành thành phố và đến nay cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Giữa những “lùm xùm” tại khu đô thị từng được gọi là kiểu mẫu, Vinaconex lại tiếp tục chìm đắm trong cuộc “nội chiến” giữa hai nhóm cổ đông An Quý Hưng - Cường Vũ và Star Invest.
Trước đó, tại đại hội năm 2018, lãnh đạo Vinaconex cho biết vẫn sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố, địa phương có tiềm năng như Quảng Ninh, Nha Trang, TP.HCM.
Sau khi Vinaconex thoái hết vốn Nhà nước, những dự định đưa lĩnh vực bất động sản của “đại gia” một thời này hứa hẹn bước sang một trang mới. Nhưng có lẽ, chúng ta sẽ phải chờ một thời gian dài nữa khi 2 nhóm cổ đông trên giải quyết được xung đột về lợi ích và bắt tay nhau cùng phát triển doanh nghiệp.
Theo ước tính, Vinaconex có khoảng 3,2 triệu mét vuông đất, trong đó có131,786m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu mét vuông đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,7 triệu mét vuông nằm tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 2 Hòa Lạc. Bên cạnh đó, Vinaconex cũng sở hữu khu đất hơn 356.171m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng. |
Trần Tiến