22/11/2024 | 18:30 GMT+7, Hà Nội

Vinaconex "mất danh" cũng vì bất động sản?

Cập nhật lúc: 08/11/2018, 07:20

Trên sàn giao dịch chứng khoán, gõ mã cổ phiếu VGC và hàng loạt mã cổ phiếu của công ty con sẽ ra kết quả kinh doanh ì ạch hoặc không có thanh khoản. Điểm tên những dự án nhà đất trên thị trường bất động sản của Vinaconex sẽ thấy nhiều tai tiếng.

Giá cổ phiếu VGC giảm 4.000 đồng/cp từ đầu năm 2018, từ mức hơn 22.000 đồng/cp hiện còn hơn 18.000 đồng/cp. Cổ phiếu VC2 hiện không có thanh khoản, V11 hiện trong diện hạn chế giao dịch do từ chối đưa ý kiến kiểm toán 2015, cổ phiếu V12 hiện tại cũng gần như không có thanh khoản,...

Tìm đâu “Vinaconex của ngày xưa”

Thập kỷ trước, Tổng công ty Cổ phần Vinaconex được nhắc đến là một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành xây dựng Việt Nam, nhất là trong hai lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản.

Vinaconex cũng là một trong các doanh nghiệp tiên phong áp dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực thi công xây lắp, tiên phong trong thí điểm cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ, chuyển toàn tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 11/2006.

Điểm đáng nói là Vinaconex ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn của những ngày đầu đổi mới. Từ thủa ban đầu thành lập chỉ với 7 cán bộ nhân viên, tài sản hầu như không có. Đến thời kỳ đỉnh cao, Vinaconex đã phát triển với quy mô cao điểm nhất lên tới 95 công ty thành viên – công ty liên kết và đơn vị hạch toán phụ thuộc, với lực lượng gần 45.000 lao động. Vinaconex xây dựng quy mô vốn điều lệ 4.417 tỷ đồng, vốn hóa trên thị trường chứng khoán tương đương 8.525 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 9.789 tỷ đồng.

Vinaconex gắn tên tuổi với hàng nghìn dự án như Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính; Dự án Đại lộ Thăng Long; Hệ thống cấp nước sạch sông Đà – Hà Nội; Nhà máy xi măng Cẩm Phả; Khu đô thị mới Bắc An Khánh; các dự án thủy lợi - thủy điện, các dự án giao thông và hạ tầng (trong đó có Nhà ga T2 – sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Bãi Cháy, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, khu công nghiệp công nghệ cao 2 - Hòa Lạc); Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Bảo tàng Hà Nội,...

Thế nhưng có vẻ như việc mở rộng hoạt động không đi liền với việc nâng cao năng lực quản lý, hoạt động kinh doanh của "huyền thoại" này ngày càng đi xuống không phanh. Đến mức không đủ sức giữ uy tín đã xây dựng trong nhiều năm.

Giai đoạn cuối năm 2012 có lẽ là thời kỳ đen tối nhất của Vinaconex khi bức tranh tài chính của Tổng công ty trở nên "xám xịt". Doanh thu toàn Tổng công ty đạt 12,6 ngàn tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2011; lợi nhuận trước thuế đạt 193 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2011 và cổ đông không có cổ tức.

Đặc biệt, Vinaconex đã phải gồng mình sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động và trả lãi vay cho dự án Xi măng Cẩm Phả cũng như khoản nợ trái phiếu 2,3 ngàn tỷ đồng đã khiếncông tykiệt quệ và có chiều hướng mất khả năng thanh toán.

Việc làm ăn bết bát của Vinaconex từng dẫn đến nhiều đối tác lớn bắt đầu có động thái xin rút vốn. Trong đó, quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đã bán 3,6 triệu cổ phiếu VCG, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 4,45%. Mới đây, Tổng công ty SCIC cũng đã chính thức tuyên bố rút người đại diện phần vốn của mình tại Vinaconex về. Hiện, SCIC đang nắm 57,8%. Đối tác là Viettel nắm 21,3%.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất, lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinaconex ghi nhận 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017. Tại thời điểm cuối quý III/2018, tổng tài sản Vinaconex đạt 20.170 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho chiếm 3.385 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn hạn khách hàng gần 4.000 tỷ đồng, giảm khoảng 250 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ vay của Vinaconex hiện chiếm hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 25% cơ cấu nguồn vốn công ty. Cùng với đó, nợ xấu của Vinaconex cũng tăng gần 40% trong những tháng đầu năm 2018, lên hơn 600 tỷ đồng.

Khó điểm hết được tai tiếng của Vinaconex

Những năm đầu của thế kỷ 21, mỗi khi nhắc đến Vinaconex là người ta thường nói đến doanh nghiệp đã tiên phong đặt nền móng cho văn hóa chung cư hiện đại đầu tiên của Việt Nam với khu đô thị nổi tiếng Trung Hòa – Nhân Chính.

Đây là dự án lớn nhất và đầu tiên ở Thủ đô, là đô thị điển hình của Hà Nội mang dáng dấp các khu đô thị hiện đại của các nước tiên tiến. Dự án do chính Vinaconex tự thiết kế, tự đầu tư và thi công với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật: nhà ở, trường học, trung tâm thương mại, văn phòng làm việc…

Kể từ đó trở đi, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã trở thành biểu tượng, là hình mẫu và trào lưu nhân rộng các khu đô thị mới ra khắp Hà Nội vcác vùng khác trên cả nước, đưa tên tuổi Vinaconex trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

Sống khổ trong khu nhà giàu Trung Hòa - Nhân Chính

Sống khổ trong khu nhà giàu Trung Hòa - Nhân Chính

Ở lĩnh vực xây dựng, Vinaconex đã liên tục “trình làng” hàng loạt dự án “khủng”, những công trình quy mô lớn tầm cỡ quốc gia thuộc mọi lĩnh vực: nhà ở, du lịch, thủy điện, giao thông. Điển hình phải kể đến đó là các dự án lớn như: Thủy điện Buôn Kuôp, Buôn Tua Srah, Cầu dây văng Bãi Cháy, Nhà máy xi măng Cẩm Phả, đường Láng - Hòa Lạc, Khu đô thị mới bắc An Khánh, nước sạch Sông Đà… Các dự án này đã đem lại cho Vinaconex uy tín và thương hiệu cực “hot”, năng lực thi công nổi trội ít có doanh nghiệp xây dựng nào thời đó sánh kịp.

Tại thời điểm đó, không có bất cứ doanh nghiệp xây dựng hay kinh doanh bất động sản nào của Việt Nam “qua mặt” được Vinaconex. Nhiều doanh nghiệp xây dựng địa phương đang trong tình trạng “hấp hối” bỗng dưng “sống lại” vì liên tiếp thắng thầu do sáp nhập và được “ké” cái tên Vinaconex.

Tuy nhiên, do không lường trước được những khó khăn, thách thức của thị trường, lãi suất liên tục tăng cao, Chính phủ thắt chặt chi tiêu công, thị trường bất động sản lao dốc không phanh, Vinaconex mất lái.

Về nguyên nhân nội tại, việc tổng công ty mất uy tín trong làng xây dựng, bất động sản có phần lớn trách nhiệm do lãnh đạo Tổng công ty. Đã từng có nhiều đồn đoán, việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió của Vinaconex là do thiếu sự đoàn kết trong dàn lãnh đạo, tư duy nhiệm kỳ… Và rồi, có tới 2/3 số dự án của doanh nghiệp vướng tai tiếng, gây bức xúc cho cả nhà đầu tư, khách hàng đến người dân.

Đơn cử như, Đô thị Trung Hòa - Nhân Chính của Vinaconex đã từng được xếp vào khu đô thị đẹp Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ vài năm đi vào sử dụng, đô thị này đã trở nên nhếch nhác, quá tải, kèm theo đó, chất lượng xây dựng các tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Cụm chung cư N05 với "bộ mặt" 4 khối nhà đang xuất hiện ngày càng nhiều “vết đốm” trên phần gạch ốp mặt ngoài. Nhiều người gọi cụm chung cư này “chung cư ghẻ ruồi”. Nguyên nhân là do mặt đá ốp bên ngoài tòa nhà nhà liên tục bị rơi đá xuống đất. Lo ngại ảnh hưởng đến tính mạng cư dân, chủ đầu tư cho khoan bắt ốc, vít và bơm keo để giữ lên các mặt đá khiến cho toàn bộ mặt tiền tòa nhà có các vết lấm tấm như “ghẻ”. Chưa hết, bên trong khu nhà, do thi công ẩu nên nhiều căn hộ bị ngấm trầm trọng. Hệ thống thoát nước tắc khiến mùi hôi thối bốc ngược lên nhà dân…

Điều đáng nói, trong khi chất lượng tòa nhà đi xuống trầm trọng thì toàn bộ số tiền bảo trì lại bị chủ đầu tư chiếm giữ nhiều năm. Mặc dù người dân liên tục đi đòi nợ Vinaconex, song lãnh đạo Vinaconex vẫn hành xử theo kiểu “mũ ni che tai”, không phản hồi cũng không trả tiền cho cư dân.

Hoặc đơn cử như, từ cuối năm 2012, hàng chục khách hàng Splendora đã kéo tới trụ sở Vinaconex yêu cầu gặp lãnh đạo Vinaconex, kiến nghị dừng hoàn thiện nhà mà khách hàng mua, trả tiền thu của khách hàng không đúng… Việc kiến nghị của khách hàng dự án Splendora đã diễn ra trong vài tháng qua, tuy nhiên, yêu cầu của khách hàng vẫn chưa được phía chủ đầu tư giải quyết.

Đường ống dẫn nước Sông Đà - niềm tự hào của Vinaconex đã vỡ đến lần 15 dẫn đến hàng triệu người dân khu vực Tây Nam Hà Nội mất nước triền miên. Chỉ khi những người thợ thi công đào đất để khắc phục sự cố thì việc làm ăn gian dối của Vinaconex mới được phơi bầy. Mặc dù lãnh đạo cao cấp của Vinaconex không có ai liên đới, song 9 lãnh đạo các công ty con Vinaconex đã bị khởi tố, bắt giam.

Tại đại hội năm 2018, lãnh đạo Vinaconex cho biết vẫn sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố, địa phương có tiềm năng như Quảng Ninh, Nha Trang, TP.HCM.

Như vậy, đến thời điểm trước khi đấu giá 79% cổ phần, Vinaconex vẫn đang ấp ủ nhiều dự án bất động sản.

Vy Thương

Bạn đang đọc bài viết Vinaconex "mất danh" cũng vì bất động sản? tại chuyên mục Tài chính BĐS của Tạp chí Bất động sản Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected]