19/01/2025 | 02:44 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm có thu nhập trung bình thấp

Cập nhật lúc: 28/12/2015, 05:24

Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2015 đã tăng 57 USD so với năm 2014 nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988 và của Thái Lan năm 1993...

Theo báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD.

GDP bình quân đầu người tăng trưởng "lùi"

Mặc dù con số này đã tăng 57 USD so với năm 2014, song Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988 và của Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.

Như vậy, với GDP bình quân đầu người năm 2015 tăng thêm 57 USD, phải đến năm 2035 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, tức là chỉ tương đương GDP/người của Malaysia hiện nay.

Một điều đáng chú ý là khoảng cách GDP/người của Việt Nam ngày càng xa so với thế giới.

Nếu như năm 1990 khoảng cách GDP/người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì đến nay khoảng cách này đã tăng lên gấp đôi với 8.000 USD.

Trong khi GDP/người của Việt Nam tăng lên mức trên 2.109 USD thì GDP/người của thế giới lại "vọt tăng" lên mức trên 10.000 USD.

Một trong những nguyên nhân khiến cho GDP/người của Việt Nam thua xa các nước trong khu vực và ngày càng gia tăng khoảng cách với thế giới chính là năng suất lao động thấp và nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế.

Với tình hình năng suất lao động chưa được cải thiện như hiện nay thì GDP bình quân đầu người Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Năng suất lao động thấp

Theo bà Nguyễn Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Tổng cục Thống kê), năng suất lao động của Việt Nam đã tăng qua các năm.

Năm 2015, năng suất lao động của người Việt (GDP/tổng số người làm việc bình quân) là 79,3 triệu đồng, tương đương 3.657 USD.

Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, thì năng suất lao động của người Việt đã tăng 6,4% so với năm trước. Tính bình quân 17 năm trở lại, năng suất lao động của toàn xã hội tăng 24 triệu đồng/lao động, tương đương 1.600 USD/lao động/năm.

Tuy nhiên, bà Ngọc Vân cho rằng mặc dù năng suất lao động tăng nhưng so với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu so sánh về số tuyệt đối mức tăng năng suất lao động thì khoảng cách ngày càng được thu hẹp, song nếu so sánh về giá trị tuyệt đối, tức là GDP/tổng số người làm việc bình quân, lại có sự chênh lệch lớn.

Như vậy, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện, nhưng với mức tăng trưởng như hiện thời thì đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

GDP - Tổng sản phẩm nội địa hay Tổng sản phẩm quốc nội - là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

GDP bình quân đầu người của một quốc gia hay lãnh thổ tại một thời điểm nhất định là giá trị nhận được khi lấy GDP của quốc gia hay lãnh thổ này tại thời điểm đó chia cho dân số của nó cũng tại thời điểm đó.