Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài: Nguy cơ bị xâm hại quyền lợi luôn rình rập
Cập nhật lúc: 19/07/2015, 14:01
Cập nhật lúc: 19/07/2015, 14:01
NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không được bảo vệ đầy đủ về quyền lợi là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công đoàn tham gia xây dựng chính sách về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 10/7.
Cụ thể, theo ILO, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm trung bình Việt Nam đưa được 80.000 - 90.000 NLĐ đi làm việc, thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là làm nghề chế tạo, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng, vận tải biển, nông lâm nghiệp, dịch vụ…
Tính riêng tháng 6/2015, có khoảng 560.000 NLĐ đang thực tập, làm việc tại hơn 49 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ước tính, mỗi năm, NLĐ Việt Nam tại nước ngoài gửi về gia đình hơn hai tỷ USD.
Không chỉ thế, NLĐ còn lâm vào tình cảnh phải ký hợp đồng vào “hạn chót” mà không được tư vấn, trong khi hợp đồng được soạn thảo thường không xuất phát từ quyền lợi của NLĐ, có khi còn dùng từ đa nghĩa… khiến NLĐ thiệt thòi mà không kêu ai được.
Hơn thế, khi làm việc ở ngước ngoài, NLĐ Việt Nam thường bị chủ sử dụng LĐ nước sở tại xâm hại quyền lợi mà không được bảo vệ. Một bộ phận NLĐ hết hạn hợp đồng vẫn tiếp tục ở lại, tự tìm kiếm cơ hội việc làm đã làm giảm hiệu quả của hoạt động XKLĐ, gây thiệt hại lớn cho bản thân NLĐ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ILO, thực tế thông tin về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp không đến trực tiếp NLĐ, nên còn tạo điều kiện cho “cò mồi” xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoạt động, làm nhiều NLĐ phải chi trả thêm những khoản tiền ngoài chi phí theo quy định của Nhà nước, thậm chí “mất tiền mà không đi được”. Nguy hại hơn, NLĐ có thể bị đưa đi theo con đường bất hợp pháp, không được pháp luật nước sở tại bảo vệ.
Tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra, nguyên nhân thực trạng trên xuất phát từ việc NLĐ chưa nắm được thông tin về di cư an toàn; thiếu các cơ chế bảo vệ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều lỗ hổng. Ngay cả khi NLĐ là thành viên của tổ chức công đoàn tại nước sở tại thì việc NLĐ được bảo vệ cũng hiếm hoi.
Quá trình kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể liên quan lại chưa thường xuyên; giải quyết khiếu nại, tố cáo của NLĐ và bảo đảm tiếp cận của NLĐ tới hệ thống tư pháp chưa kịp thời; thiếu cơ chế, thiết chế, tư vấn giúp đỡ NLĐ trở về gặp khó khăn, nhất là LĐ nữ…
Hơn nữa, pháp luật vẫn thiếu quy định cần thiết để hạn chế tình trạng NLĐ vi phạm hợp đồng, bỏ trốn, vi phạm pháp luật nước sở tại, nên khi thu nhập không đủ đề bù đắp các chi phí bỏ ra, NLĐ phải “vượt rào”, thậm chí chấp nhận bị phạt nặng.
Từ đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị, cần quy định nhân thân cam kết bảo lãnh NLĐ thực hiện hợp đồng dịch vụ, đồng thời với việc thực hiện bảo lãnh về kinh tế; nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ NLĐ di cư tránh những rủi ro có thể xảy ra…
Ông Ahn Pong-Sul, chuyên gia ILO nhấn mạnh, công đoàn có thể giám sát quá trình di cư, điều kiện làm việc của NLĐ, cũng như trao đổi thông tin, tiến hành các hoạt động nhanh chóng trong điều kiện có nhiều rào cản về pháp lý đối với hoạt động di cư tại cả nước phái cử và nước tiếp nhận.
Vì vậy, công đoàn có vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của NLĐ di cư. Quan trọng là cần có cơ chế “ba bên” quản lý quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước để bảo đảm việc sử dụng quỹ hiệu quả, bổ sung quy định về quyền được hỗ trợ của NLĐ trong việc đàm phán ký kết hợp đồng với đơn vị tuyển dụng; giao nhiệm vụ cho công đòan cùng cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng để điều chỉnh những điều khoản chưa phù hợp, bảo vệ quyền lợi của NLĐ./.