22/01/2025 | 18:50 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam thăng hạng chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh

Cập nhật lúc: 18/03/2021, 11:30

Đây là những chỉ số tích cực, phản ánh kết quả của chính phủ kiến tạo thông qua thể chế, chính sách tốt để nuôi dưỡng kinh tế phát triển.

Sáng 17/3, thông tin tại cuộc họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (chỉ số APCI 2020), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng từ 90/100 lên 70/100 năm 2020.

Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 của Việt Nam cũng tăng 10 bậc ở 77/140 quốc gia, lãnh thổ. Đây là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả của chính phủ kiến tạo thông qua thể chế, chính sách tốt để nuôi dưỡng kinh tế phát triển...

Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

“APCI 2020 đã mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thời gian tới”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020.
Họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bên cạnh những bài học từ APCI 2018, 2019, APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung những bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách. Tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.   

Trong bối cảnh năm cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, APCI 2020 mang một thông điệp quan trọng, là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Bên cạnh những bài học vẫn còn nguyên giá trị từ APCI 2018, 2019, APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung những bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách.

Việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo.

Đây là xu hướng rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.

Những bài học rút ra từ APCI năm nay đều được đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa phải đối mặt với các thách thức to lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để nhận thấy các giá trị căn cơ từ cải cách.

Với phương pháp luận phù hợp và cách làm nghiêm túc của Nhóm nghiên cứu, APCI 2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-thang-hang-chi-so-moi-truong-kinh-doanh-va-nang-luc-canh-tranh-53804.html