19/01/2025 | 02:21 GMT+7, Hà Nội

Bức tranh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sáng màu: Hà Nội tăng điểm, giữ thứ hạng

Cập nhật lúc: 06/05/2020, 14:20

Kết quả cải cách và xếp hạng của mỗi tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế...

Kết quả cải cách và xếp hạng của mỗi tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố sáng hôm qua (5-5), tại Hà Nội. Đây là bức tranh toàn cảnh về năng lực điều hành, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tại mỗi địa phương, trong đó thành phố Hà Nội tiếp tục tăng điểm và giữ vị trí trong tốp 10…

Thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định đã giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Cục Thuế thành phố Hà Nội triển khai thí điểm Hệ thống Tax Booking để người nộp thuế có thể đặt lịch trực tuyến làm việc với cơ quan thuế. Ảnh: Hà Loan

Cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp

Báo cáo PCI năm 2019 được xây dựng trên cơ sở thông tin phản hồi của gần 12.500 doanh nghiệp; trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kết quả nổi bật nhất của báo cáo lần này là các địa phương đạt chất lượng điều hành kinh tế cao nhất trong 15 năm qua, với mức PCI tổng hợp là 65,13 điểm. Gánh nặng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giảm đáng kể bên cạnh việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhanh chóng, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Có 81,3% doanh nghiệp cho biết: “Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”; 73,6% doanh nghiệp xác nhận “cán bộ nhà nước thân thiện”; 72,6% doanh nghiệp phản ánh “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”… Những con số trên cao hơn hẳn so với kết quả của năm 2018. Thậm chí, ở thời điểm giữa năm 2019, hơn 50% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới.

PCI năm 2019 cũng cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh ở Việt Nam; trong đó, những cải thiện ấn tượng nhất thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai. Xu hướng ứng dụng, phát triển tự động hóa, số hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam nhằm khắc phục khó khăn, tiết giảm chi phí cũng như tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Xét về thứ bậc, “quán quân” vẫn là tỉnh Quảng Ninh với 73,4 điểm. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh này dẫn đầu danh sách. Tiếp đến là tỉnh Đồng Tháp với 72,1 điểm; Vĩnh Long đạt 71,3 điểm, Bắc Ninh đạt 70,79 điểm. Các tỉnh, thành phố khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Ngoài ra, một số địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao như: Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh... Đứng cuối bảng vẫn là những cái tên quen thuộc ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên như: Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước...

Bên cạnh những kết quả nổi bật, báo cáo PCI cũng cho thấy vẫn còn một số phiền hà đối với doanh nghiệp. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, có hơn 50% doanh nghiệp xác nhận phải chi các khoản chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn vay, tìm kiếm nhân sự thích hợp, tìm kiếm đối tác kinh doanh và biến động thị trường. Khó khăn của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, vấn đề quan trọng không phải là thứ bậc cao hay thấp trong bảng xếp hạng PCI hằng năm, mà qua đó các địa phương thấy được vấn đề còn tồn tại để tiếp tục cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền. Cùng quan điểm này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh Trương Mạnh Hùng cho rằng, tuy dẫn đầu bảng xếp hạng song tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư từ những vấn đề khó khăn doanh nghiệp còn gặp phải.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Van Laack ASIA tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

PCI của Hà Nội tăng 3,4 điểm

Trong Bảng xếp hạng PCI năm 2019, thành phố Hà Nội đạt 68,8 điểm, tăng 3,4 điểm so với năm 2018 và trụ vững tại vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Nhận xét về kết quả trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thành phố Hà Nội đạt sự tiến bộ đáng kể, liên tục tăng thứ bậc từ năm 2015 đến 2018 và năm 2019 vẫn trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các địa phương. “Thành phố Hà Nội đã cho thấy quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những giải pháp thiết thực, cụ thể như tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với hiệp hội và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cơ hội đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực... Những động thái đó được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận, đánh giá cao”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Nhấn mạnh đặc thù Thủ đô Hà Nội có quy mô kinh tế hàng đầu, sức lan tỏa rộng lớn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu nhận định, việc thành phố Hà Nội nằm trong tốp 10 là điều rất đáng ghi nhận. Hơn thế, Hà Nội “không hài lòng với vị trí đạt được” và luôn nỗ lực cải thiện các chỉ số để nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng toàn diện, bền vững, khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu kinh tế cả nước… “Từ thế mạnh về chất lượng nguồn nhân lực, trí tuệ và bản sắc của mình, Hà Nội vẫn còn dư địa và cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu đứng trong nhóm cao hơn thời gian tới”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ.

Thực tế cho thấy, với Hà Nội, “cuộc đua” cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh không có điểm dừng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đã xác định nhiệm vụ này là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì tăng trưởng. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tiếp tục đạt và vượt so với năm 2019; duy trì chỉ số PCI năm 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của đơn vị... Mục tiêu không chỉ là việc nâng thứ hạng PCI mà còn đưa Hà Nội trở thành thành phố đáng sống, luôn hấp dẫn các nhà đầu tư.