Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số “siêu già” vào năm 2050
Cập nhật lúc: 14/12/2019, 19:00
Cập nhật lúc: 14/12/2019, 19:00
Ở các quốc gia khác, quá trình già hoá dân số đến khi bước vào giai đoạn dân số già phải mất thời gian dài, thậm chí có quốc gia mất tới hàng trăm năm. Tại Việt Nam thời gian này chỉ từ 17-20 năm; ước tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ trở thành một nước có dân số “siêu già”.
Chia sẻ tại Hội thảo Già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi-Nghiên cứu dọc và vai trò cộng tác viên dân số trong chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với UNFPA, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA-Nhật Bản) cùng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD-Việt Nam) tổ chức ngày, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục DS-KHHGĐ-Bộ Y tế cho biết: Già hoá dân số là 1 trong những biến đổi nhân khẩu học lớn nhất trên hành tinh.
Hiện nay, trên thế giới trong số hơn 7 tỉ người thì cứ 11 người có 1 người trên 65 tuổi. Ở Việt Nam bước vào giai đoạn già hoá dân số năm 2011 với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 7% dân số. Đến nay, số người cao tuổi trên 65 tuổi đã chiếm trên 8,3% dân số-tức là hiện nay Việt Nam có hơn 8 triệu người cao tuổi.
Theo dự báo cũng như theo nhận định của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam là 1 trong những nước có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Ở các nước phát triển, giai đoạn chuyển từ già hoá dân số sang dân số già mất thời gian dài, có quốc gia mất hàng trăm năm nhưng ở Việt Nam các nhà nhân khẩu học dự báo giai đoạn này chỉ khoảng 17-20 năm.
Trình bày kết quả Nghiên cứu tổng quan già hoá dân số và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại châu Á và Việt Nam do UNFPA thực hiện, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, cán bộ UNFPA đưa ra các dẫn chứng cụ thể về tốc độ già hoá dân số tại Việt Nam. Theo đó, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam (từ 15-64 tuổi) giảm dần qua các năm: Năm 2014 là 69% đến năm 2020 sẽ là 68% và dự báo đến năm 2049 giảm còn 64%.
Song song đó, tỷ lệ trẻ em từ 0-14 tuổi năm 2014 là 23% sẽ giảm dần theo các mốc thời gian và còn 17% vào năm 2049; tỷ lệ người cao tuổi trên 65 là 7% năm 2014 tăng lên 18% vào năm 20149.
Già hoá kèm theo các vấn đề về sức khoẻ, khuyết tật ở tuổi trên 60 chiếm tới 43,28%. 70% người cao tuổi mang trong mình ít nhất 2 bệnh; trung bình mỗi người cao tuổi có 2,7% bệnh; trung bình số năm ốm đau của người cao tuổi là 7,3%/năm (10% của tuổi thọ). Số người cao tuổi gặp ít nhất 1 loại khó khăn trong sinh hoạt hành ngày tăng từ 28% ở người 60-69 tuổi lên hơn 50% ở người trên 80 tuổi.
Trong khi đó , gần 50% người cao tuổi không có thẻ BHYT. Hơn nữa, BHYT cũng chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sóc khỏe của người cao tuổi.
Khi nghiên cứu về tình hình người cao tuổi tự đánh giá tình trạng sức khỏe năm 2011 thì có tới 65,4% tự đánh giá yếu và rất yếu; chỉ 29.8% tự đánh giá bình thường; Khoảng 1,5 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ trong các hoạt động sống hàng ngày.
Dự báo năm 2019, sẽ có 4 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ hàng ngày. Năm 2019 khoảng 4 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ hàng ngày. Tỷ lệ này đạt khoảng 10 triệu người vào năm 2049.
Còn theo ThS-Bác sỹ Vũ Công Nguyên, Phó Viện Trưởng Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD), kết quả khảo sát của PHAD về Sức khoẻ người cao tuổi Việt Nam cho thấy: 62,3% người cao tuổi Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp và 86,3% trong số đó có điều trị; 12,2% cụ bà được chẩn đoán loãng xương, tỉ lệ này ở cụ ông là 5,5%; với bệnh thiếu máu/nhồi máu cơ tim có 13,2% cụ bà từng được bác sỹ chẩn đoán mắc và 10,8% cụ ông được chẩn đoán mắc… Tỉ lệ này tăng cao theo độ tuổi.
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, tốc độ nhanh tạo áp lực cho Việt Nam trong việc phải thích ứng với già hoá dân số và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Ước tính năm 2050 Việt Nam sẽ trở thành một nước có dân số “siêu già”. Hiện nay chúng ta chưa có sự chuẩn bị cho việc thích ứng với già hoá dân số và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.
Thực tế cho thấy, mô hình gia đình hiện ngày càng nhỏ, số lượng gia đình 3-4 thế hệ giảm dần. Xu hướng thanh niên nông thôn di cư ra đô thị mạnh mẽ (già hóa dân số nông thôn). Có gần 30% người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi hoặc cháu dưới 10 tuổi.
Người cao tuổi khi gặp các vấn đề về sức khoẻ thường mất 1 tuần đến 1 tháng, chi phí chăm sóc phục hồi chức năng tốn kém. Trong khi đó, cán bộ, người hướng dẫn phục hồi chức năng hạn chế về trình độ. Chăm sóc người cao tuổi thường thì gia đình là người chăm sóc chính.
Các trung tâm bảo trợ xã hội và chăm sóc người cao tuổi (432 cơ sở nhà nước và 10 cơ sở tư nhân) hiện nuôi dưỡng hơn 10.000 người cao tuổi. Hệ thống bệnh viện công có 1.063 BV và 170 BV tư nhưng số giường dành cho người cao tuổi rất hạn chế do ngàng càng gia tăng bệnh mạn tính.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan bày tỏ, với tốc độ già hoá dân số nhanh như vậy, Việt Nam luôn quan tâm tới phát huy vai trò chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi nên tổ chức hội thảo này nhằm cung cấp thông tin quan trọng bằng chứng về già hoá dân số và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở Việt Nam. “Đây là bằng chứng quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý xây dựng chính sách để thích ứng với già hoá dân số và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi trong thời gian tới”.
14:00, 03/10/2019
20:00, 21/08/2019
11:01, 12/07/2019