18/01/2025 | 20:21 GMT+7, Hà Nội

Gần 1/4 dân số thế giới gặp khủng hoảng về nước

Cập nhật lúc: 21/08/2019, 20:00

Theo dữ liệu mới nhất của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), tính đến năm 2019, tổng cộng 17 quốc gia đang trải qua khủng hoảng về nước ở mức cực kỳ cao.

Điều này có nghĩa là gần 1/4 dân số thế giới - khoảng 1,7 tỷ người - hiện đang sống ở những khu vực mà nông nghiệp, công nghiệp và các thành phố tiêu thụ tới 80% lượng nước cung cấp hàng năm.

Gần 1/4 dân số thế giới gặp khủng hoảng về nước - Ảnh 1

Thế giới đang đối mặt với cơn "khát" khi nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt.

Trong vòng 100 năm qua, việc sử dụng nước đã tăng lên gấp đôi so với dân số thế giới. Khi nguồn cung cấp nước tiếp tục bị thu hẹp, một số nơi trên thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.

Ngay cả một khu vực hạn hán nhỏ cũng có thể đủ để gây ra khủng hoảng. Và những sự kiện hạn hán, các nhà khoa học đều đồng ý rằng, sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn với biến đổi khí hậu.

"Thiếu nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai nhắc đến" - ông Andrew Steer, Chủ tịch và CEO của WRI, tuyên bố trong một thông cáo báo chí gần đây - "Hậu quả của nó đã trong tầm nhìn rõ ràng như mất an ninh lương thực quốc gia, bất ổn tài chính, xung đột và di cư".

Sử dụng một mô hình thủy văn mới, vẽ ra một bức tranh chính xác hơn về rủi ro thiếu nước hơn bao giờ hết, các nhà nghiên cứu của WRI đã tính toán rằng lượng nước tiêu thụ trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1960.

Đó là một nhu cầu ngày càng tăng mà không có dấu hiệu chậm lại. Ngày nay, công cụ Aqueduct của WRI đã xác định được không dưới 44 quốc gia có mức độ khủng hoảng về nước ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc 1/3 hành tinh có nguồn cung cấp nước bị cạn kiệt trung bình khoảng 40% mỗi năm.

"Một thế hệ giải pháp mới đang xuất hiện, tuy nhiên, không có giải pháp nào đủ nhanh" - Steer nói thêm - "Thất bại trong hành động sẽ dẫn đến tốn kém rất nhiều trong cuộc sống và sinh kế của con người".

Năm ngoái, nguồn cung cấp nước của Cape Town đã chạm tới mức báo động của Day Zero - khi hầu hết mọi vòi nước của thành phố ngừng chảy. Năm nay, thành phố Chennai ở Ấn Độ đã sắp cạn kiệt nước. Mặc dù hiện tại không có tình trạng khan hiếm nước toàn cầu như vậy, tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cho biết, ngày càng có nhiều nơi bị thiếu nước triền miên.

Sử dụng dữ liệu được đánh giá ngang hàng để lập bản đồ các rủi ro về nước như lũ lụt, hạn hán và khủng hoảng, WRI đã xếp hạng khủng hoảng về nước, rủi ro hạn hán và rủi ro lũ lụt trên sông ở khắp 189 quốc gia và khu vực địa phương.

Các kết quả cho thấy rõ ràng Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực chịu nhiều khủng hoảng về nước nhất trên Trái đất cho đến nay. Trên thực tế, 12 trong số 17 quốc gia chịu khủng hoảng về nước nhiều nhất được liệt kê bởi WRI nằm ở những khu vực nóng và khô, được gọi chung là MENA. Qatar, Israel và Lebanon được xếp trong top 3.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên bên ngoài MENA xuất hiện trong danh sách này, mặc dù điều đó không nhất thiết có nghĩa là vấn đề về nước ở quốc gia này ít nghiêm trọng hơn. Khủng hoảng về nước chỉ là một chiều của an ninh về nước, quản lý là một chiều khác.

Với 1,3 tỷ người, Ấn Độ đã nắm giữ hơn 3 lần dân số của 16 quốc gia khác trong danh sách và các vấn đề quản lý nước của Chennai - thành phố thủ phủ lớn thứ tư của Ấn Độ - chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Nguồn: http://baodansinh.vn/gan-14-dan-so-the-gioi-gap-khung-hoang-ve-nuoc-d103924.html