28/11/2024 | 14:56 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam liên tục thăng hạng về phát triển bền vững

Cập nhật lúc: 11/12/2020, 16:05

Năm 2020, Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 49 trên thế giới về phát triển bền vững. Trước đó, trong các năm 2018, 2019 Việt Nam đều tăng (11 bậc và 3 bậc) trong bảng xếp hạng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020

Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020, ngày 10/12.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ năm 2016 khi tham gia trong đánh giá thường niên các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng thứ 88 về chỉ số phát triển bền vững.

Ngay từ ban đầu, khi Việt Nam tham gia cam kết theo chương trình Nghị sự của Liên Hợp Quốc, Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể và quyết liệt. Kết quả, chỉ sau 1 năm, vị trí của Việt Nam đã tăng vọt ở lên thứ 68 vào năm 2017.

Đến 2018, Việt Nam tăng 11 bậc lên mức 57 trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam tăng 3 bậc lên thứ 54 và đặc biệt, năm 2020, Việt Nam tăng 5 bậc đứng thứ 49 trên thế giới về phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, trong 17 nhóm mục tiêu về phát triển bền vững trong đó đặc biệt là 3 nhóm chỉ tiêu tốt là: Xoá nghèo, chất lượng giáo dục, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là hai chỉ tiêu nước sạch và đô thị và cộng đồng phát triển của doanh nghiệp cũng đạt tốt.

Tuy nhiên, Việt Nam có 3 chỉ tiêu đó là bảo vệ tài nguyên đất, nước, đặc biệt là nhóm chỉ tiêu hợp tác là thấp. Theo Phó Thủ tướng, với một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ tiêu nào xuống dưới 50 là nỗ lực rất lớn.

Trong rất nhiều chỉ tiêu xếp hạng trên thế giới đến ngày hôm nay Việt Nam có 3 chỉ tiêu đứng dưới 50 bao gồm chỉ tiêu phát triển bền vững; chỉ tiêu chất lượng giáo dục phổ thông và chỉ tiêu đổi mới sáng tạo.

Theo Phó Thủ tướng, muốn phát triển bền vững thì việc đầu tiên phải làm là cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Sự thuận lợi của môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn đứng thứ 60 do đó, vẫn cần phải tiếp tục làm cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông thoáng hơn.