19/01/2025 | 02:45 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của lạm phát

Cập nhật lúc: 05/06/2021, 16:40

Đó là nhận định của TS. Quách Mạnh Hào khi Việt Nam đang “chứng kiến giá nguyên vật liệu tăng, lãi suất rục rịch tăng lên, nhưng chưa thực sự chứng kiến hệ quả của nó là lạm phát do chi phí đẩy…”.

Chưa có lý do để hạ lãi suất điều hành

Theo TS. Quách Mạnh Hào, số liệu gần nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước trong khi hai tháng trước đó đều giảm. Còn bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 5/2021 tăng 1,43% tính từ đầu năm và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nói cách khác, nếu nhìn vào diễn biến xu thế và cách tính lạm phát dựa trên CPI bình quân, chúng ta chưa thấy dấu hiệu nào của sự bất ổn trong việc tăng giá. Mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2021 dường như không còn là quá thấp như những e ngại hồi đầu năm.

Nhìn tổng thể vào bức tranh tăng trưởng kinh tế, có thể đánh giá rằng tăng trưởng kinh tế và lạm phát tính tới thời điểm này là khỏe mạnh. Nhưng lạm phát về cơ bản sẽ dẫn tới mặt bằng lãi suất cao hơn, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc lãi suất chính sách sẽ phải ngay lập tức thay đổi theo xu thế của lạm phát.

Mặt bằng lãi suất tăng lên nhìn chung phản ánh nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng do hệ quả của tăng trưởng kinh tế, còn chính sách lãi suất tăng chỉ xảy ra khi lạm phát đạt tới mức cảnh báo.

Mặt bằng lãi suất tăng lên nhìn chung phản ánh nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng.
Mặt bằng lãi suất tăng lên nhìn chung phản ánh nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng.

Tuy nhiên, những thông tin gần đây về biến động lãi suất tăng trên thị trường liên ngân hàng và thị trường huy động dân cư phản ánh những tín hiệu ban đầu của nhu cầu vốn tăng lên trong nền kinh tế.

Đó là lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm tăng mạnh nhất lên mức 1,38%, tăng 0,17 điểm %. Lãi suất bình quân các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng lần lượt là 1,48%/năm, 1,54% và 1,56%/năm.

Kỳ hạn có doanh số giao dịch lớn nhất và chủ yếu trên liên ngân hàng là cho vay qua đêm đã vượt khỏi vùng dao động quanh 1,2% lâu nay. Đây cũng là mức cao nhất trong năm nay và gấp hơn hai lần mức lãi suất hồi đầu năm. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng của các kỳ hạn khác đều đã cao hơn mức trung bình của năm 2020.

Tại thị trường huy động vốn dân cư, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài 12 - 13 tháng đều có xu hướng tăng khoảng từ 0,15% - 0,3% tùy vào các ngân hàng.

Còn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức lãi suất này vào khoảng 5,5 - 6,0% trong khi tại các ngân hàng thương mại khác, lãi suất từ 6,2% lên tới 8,2% tùy vào ngân hàng lớn hay nhỏ. Mức quan sát trung bình vào khoảng 6,5 - 7,0% là phổ biến.

Như vậy, sự gia tăng mặt bằng lãi suất là điều bình thường phản ánh nhu cầu vay vốn tăng lên trong nền kinh tế, hệ quả tất yếu của quá trình hồi phục tăng trưởng. Còn việc lãi suất liên ngân hàng tăng lên phản ánh sự không đồng đều về thanh khoản giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, không chỉ do nhu cầu tín dụng ra nền kinh tế đã tăng lên mà còn bao gồm cả nhu cầu mua trái phiếu.

“Với việc lạm phát chưa có dấu hiệu xấu, mặt bằng lãi suất tăng vì vậy là khỏe mạnh và bình thường, chưa có lý do gì để nhà điều hành phải can thiệp để tăng lãi suất điều hành. Nhưng mặt khác, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà điều hành càng không có lý do gì để tiếp tục hạ các mức lãi suất điều hành bởi tình trạng hiện có của chính sách đang phát huy tốt hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Bởi vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng hiện hữu sẽ tiếp tục được duy trì, chứ không phải là tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ”, vị này nhấn mạnh.

Chính sách và hạn mức tín dụng mới là yếu tố đáng quan tâm chứ không phải là tiền rẻ

Nhận định về mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và chứng khoán, TS. Quách Mạnh Hào cho rằng, không thể phủ nhận chính sách tiền tệ nới lỏng hiện hữu là tác nhân quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian qua. Điều này xảy ra khắp nơi trên thế giới. Những lo ngại về lạm phát và bong bóng tài sản đã được các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích nhiều và nó luôn đúng về lý thuyết dài hạn. Nhưng điều quan trọng đối với là khi nào?

Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của xu thế giá cả tăng, lạm phát, hay nói cách khác là lạm phát do cầu kéo. Hiện tại trên thị trường, giá nguyên vật liệu tăng, lãi suất rục rịch tăng lên, nhưng lại chưa thực sự chứng kiến hệ quả của nó là lạm phát do chi phí đẩy. Với việc lạm phát ở mức thấp, mới nhìn thấy xu hướng lạm phát tăng, gắn liền với tăng trưởng kinh tế, và nhìn thấy lãi suất thị trường đang rục rịch tăng, chứ chưa nhìn thấy nó ở mức cao.

Điều đó gợi ý rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ còn được duy trì cho đến chừng nào mà lạm phát chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Và có lẽ điều kiện cần để lạm phát trở thành nguy hiểm là khi nền kinh tế thực sự quay trở lại bình thường.

Điều kiện đủ là chính sách tiền tệ nới lỏng thêm - nhưng điều này khó diễn ra. Điều kiện cần chỉ xảy ra khi vaccine được bao phủ rộng rãi - tuy nhiên việc này ít nhất phải hết năm 2022, vị này nhấn định.

Nếu như vậy, chính sách và hạn mức tín dụng mới là yếu tố đáng quan tâm trong giai đoạn trước mắt, chứ không còn là tiền rẻ. Mặt bằng lãi suất tăng lên từ từ sẽ dần làm cho sự cân nhắc giữa đầu tư chứng khoán và gửi tiết kiệm trở nên cân bằng, còn mở rộng tín dụng sẽ đóng vai trò tác nhân của một sự dư thừa tiền mới trong nền kinh tế.

"Nói cách khác, chúng ta đang trong một giai đoạn quá độ của chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thận trọng và quá trình quá độ này có thể kéo dài tới ít nhất cuối năm 2021, thậm chí tới hết năm 2022", TS. Quách Mạnh Hào nhận định.

Nguồn: https://congluan.vn/viet-nam-dang-o-giai-doan-dau-cua-lam-phat-post137326.html