22/01/2025 | 20:46 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam đang nhập khẩu những gì từ Trung Quốc?

Cập nhật lúc: 25/01/2016, 19:23

Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm có máy móc, thiết bị, phụ tùng, điện thoại, kinh kiện điện tử, sắt thép cùng các nguyên phụ liệu dệt may...

Cụ thể, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc trong năm 2015 của Việt Nam đạt 49,52 tỷ USD, tăng gần 14% so với năm 2014. 

Trong đó, có 4 nhóm hàng chính là máy móc, sản phẩm điện tử, linh kiện; sắt thép; nguyên phụ liệu dệt may và ô tô nguyên chiếc.

Máy móc, sản phẩm điện tử, linh kiện

Ở nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 12 là 2,52 tỷ USD, tăng 14,8% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong năm 2015 lên 27,59 tỷ USD, tăng mạnh 23,1% so với năm 2014.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này với trị giá là 9,03 tỷ USD, tăng 15,02%. 

 Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm máy móc, linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc

Tiếp đó là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Đối với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, riêng trong tháng 12, giá trị nhập khẩu là 1,76 tỷ USD giảm 13,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước của nhóm này đạt 23,13 tỷ USD, tăng 23,4%.

Trong đó, giá trị nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 6,73 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với giá trị nhập khẩu đạt 5,21 tỷ USD, tăng 13,9%; sau đó là Nhật Bản, Đài Loan …

Đáng chú ý, trong năm 2015, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu và tốc độ tăng lần lượt là 6,9 tỷ USD, tăng 9,7% và 3,02 tỷ USD, tăng 76%.

Tính chung kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường trên chiếm tới 94% nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.

Sắt thép

 Phần lớn sắt thép các loại được nhập khẩu từ Trung Quốc

Một nhóm hàng cũng có số lượng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong năm 2015 chính là sắt thép các loại.

Theo con số từ Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng 12 đạt 1,78 triệu tấn với trị giá đạt 667,86 triệu USD, tăng 44,3% về lượng và 29,5% về trị giá so với tháng 11/2015.

Tính đến hết tháng 12/2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 15,7 triệu tấn, tăng 33,1% về lượng.

Trong đó, lượng sắt thép các loại nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 9,6 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ và chiếm tới 61,3% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Như vậy, trong năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với trị giá đạt 1,32 tỷ USD, tăng 28,57% so với năm 2014.

Nguyên, phụ liệu dệt may

 Nguyên phụ liệu dệt may

Đứng thứ 3 trong danh sách nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên, phụ liệu dệt may, da, giày.

Theo đó, trong tháng 12/2015 nhập khẩu nhóm hàng nguyên, phụ liệu dệt may, da giày đạt gần 1,5 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước.

Tính cả năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu 18,3 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 7% so với năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 7,62 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Ô tô nguyên chiếc

 Trung Quốc là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam

Trong năm 2015, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại của Việt Nam đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 125,6 nghìn chiếc, tăng 77,1%; trị giá nhập khẩu là 2,99 tỷ USD, tăng 88,8% so với năm trước.

Trong đó, lượng nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 51,46 nghìn chiếc, tăng 63%; ô tô tải đạt gần 49 nghìn chiếc, tăng 79,6%; ô tô loại khác đạt 23,94 nghìn chiếc, tăng 114%; ô tô trên 9 chỗ ngồi đạt 1,25 nghìn chiếc, tăng 34% so với năm 2014.

Đáng chú ý khi Trung Quốc là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam trong năm với 26,74 nghìn chiếc, tăng mạnh 94,7%. Tiếp theo là Hàn Quốc với 26,57 nghìn chiếc, tăng 58,2%. Thứ ba là Ấn Độ với 25,15 nghìn chiếc, tăng 89,1%; Thái Lan: 25,14 nghìn chiếc, tăng 74,4%  ... so với cùng kỳ năm 2014.