18/01/2025 | 20:03 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam chủ động, tự tin ứng phó với đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 04/04/2020, 10:34

Thế giới vừa trải qua “cột mốc buồn” khi hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu. Vào thời điểm đầy thử thách trong cuộc chiến với đại dịch, Việt Nam vẫn bình tĩnh, tự tin ứng phó, được thế giới ca ngợi.

Một trong những lý do thành công của Việt Nam trong chống dịch Covid-19 là huy động được sức mạnh của người dân

“Cột mốc buồn” của đại dịch lớn nhất trong vòng 100 năm 

Theo trang thống kê worldometes.info, tính đến trưa ngày 3-4, đại dịch Covid-19 đã lây lan tới 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 1.015.877 người mắc và 53.218 người tử vong. Nhưng đỉnh điểm cơn đại dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước, nhất là với Mỹ và châu Âu. Đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải cảnh báo hai tuần sắp tới có thể là “đỉnh dịch” và là thời điểm “rất, rất đau thương” của quốc gia này với số người chết tăng cao, trong khi các bệnh viện quá tải với số ca mới nhiễm tăng rất nhanh sau mỗi ngày. Tại “điểm nóng” của dịch bệnh là tiểu bang New York, số máy thở dự trữ chỉ còn đủ dùng dưới 1 tuần, khiến những người nhiễm bệnh nặng có nguy cơ sẽ tử vong.

 Còn tại châu Âu, tình trạng quá tải bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng đang diễn ra, dẫn đến thực tế những bệnh viện thuộc loại tốt nhất thế giới của châu Âu phải “đầu hàng”, mà một trong những lý do là thiếu trang thiết bị cần thiết để đối phó với một đại dịch lần đầu tiên trong 100 năm qua ở châu lục này. Ở Đức, Tổng thống nước này Frank-Walter Steinmeier đã phải kêu gọi người dân kiên nhẫn, trong khi quân đội được huy động hỗ trợ chống dịch bởi lực lượng dân sự có nguy cơ quá tải. 

Điều đáng nói là sau thời gian dài bỏ qua vai trò của khẩu trang trong ngăn chặn dịch Covid-19, Mỹ và các nước châu Âu đã thay đổi quan điểm trong cơ sở nghiên cứu và học theo kinh nghiệm của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Thay vì khuyến cáo rằng chỉ những người nhiễm bệnh mới cần đeo khẩu trang, vật dụng giản đơn này nay được coi như thứ cần thiết với người dân.

Ở Mỹ, không chỉ thống đốc các bang mà ngay Tổng thống Donald Trump giờ cũng khuyên người dân đeo khẩu trang khi ra đường hay tiếp xúc với người khác. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio thậm chí khuyên người dân nếu không có khẩu trang thì “có thể sử dụng một chiếc khăn quàng cổ” để che mặt.

Ở châu Âu, sau khuyến cáo của chính phủ nhiều nước, khoảng 29 triệu người dân châu lục này giờ đây đã đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Tại Đức và Italia, thậm chí việc không đeo khẩu trang khi ra ngoài đã trở thành không phù hợp. Ở CH Czech, trong nỗ lực làm gương cho người dân, Thủ tướng Babis và nhiều chính trị gia Czech đã đeo khẩu trang khi phát biểu trước Quốc hội và xuất hiện trên truyền hình. Trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, Thủ tướng Babis thậm chí còn kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định tương tự về đeo khẩu trang bắt buộc tại Mỹ. Ông viết: “... hãy chống virus theo cách của người Czech. Chỉ cần đeo một chiếc khẩu trang vải sẽ giảm 80% tốc độ lây lan của virus!”.

Việt Nam - “hình mẫu” về cách thức kiềm chế Covid-19 dù điều kiện hạn chế

Dù không phải là nước giàu, trang thiết bị y tế còn thiếu nhưng với những biện pháp chống dịch chủ động, quyết liệt, cách làm sáng tạo, Việt Nam đang được nhiều quốc gia và tổ chức thế giới đánh giá cao, ghi nhận như một hình mẫu trong việc phòng chống dịch.

Trong một bài viết về Việt Nam, mạng Zen.yandex.ru của Nga đánh giá Việt Nam là “hình mẫu” về cách thức kiềm chế đại dịch Covid-19. Bài báo ca ngợi Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh và không để xảy ra tử vong nhờ chính phủ đã phản ứng nhanh. Nhấn mạnh tính hiệu quả trong công tác phòng-chống dịch bệnh ở Việt Nam thể hiện ở chỗ điều kiện của Việt Nam còn khó khăn, bài báo nhận định Việt Nam đã trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu. 

 Tờ Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức thì đặt câu hỏi về việc nên chăng các nước phương Tây có thể học hỏi điều gì đó từ công thức chống dịch của Việt Nam. Sau khi nhắc lại bài hát “Ghen Cô Vy” kêu gọi rửa tay thường xuyên để chống lây nhiễm đã trở thành bài hit trên Internet, tờ báo này cho rằng phản ứng của Chính phủ Việt Nam trong công tác chống dịch chưa được thế giới đánh giá đúng mức, dù quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều trở ngại như ngân sách ít hơn, mật độ dân số cao và hệ thống y tế còn những hạn chế.

Theo tờ Toàn cảnh Frankfurt (FAZ), một trong những lý do cho sự thành công của Việt Nam là huy động được sức mạnh của người dân thông qua các chiến dịch quần chúng, qua tin nhắn và tuyên truyền. Các y bác sĩ và y tá tận tình với công việc, trong khi những người lính nhường nơi sinh hoạt của họ để làm khu vực cách ly. Đặc biệt, khác với những nơi khác, hầu như không có sự nghi ngờ gì về số người nhiễm Covid-19 được thông báo chính thức tại Việt Nam. 

Những đánh giá trên phản ánh đúng thực tế đang diễn ra ở Việt Nam, mà như lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chưa bao giờ cả dân tộc Việt Nam, trong đó có cả người Việt Nam ở nước ngoài, đều đoàn kết, quyết tâm và có niềm tin như vậy. Trong bối cảnh thế giới chưa có thuốc đặc trị cũng như phác đồ điều trị Covid-19, đội ngũ y bác sỹ Việt Nam đã nỗ lực tìm ra phác đồ điều trị phù hợp, nhờ đó mà cho đến nay chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Những thành công của Việt Nam trong ngăn chặn Covid-19 là cơ sở để Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo vừa công bố ngày 3-4 dự báo rằng, mặc dù sẽ giảm tốc do chịu các tác động của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.