19/01/2025 | 13:38 GMT+7, Hà Nội

Viber "rút lui chiến lược" hay thất bại tại Việt Nam?

Cập nhật lúc: 15/07/2015, 06:00

Phải chăng môi trường cạnh tranh khốc liệt khiến Viber phải ra đi hay còn lý do nào khác? Việc “rút lui chiến lược” này có ảnh hưởng gì đến người dùng Viber tại Việt Nam?

Ở Việt Nam, các dịch vụ OTT (dịch vụ miễn phí gửi tin nhắn chữ, hình ảnh, hội thoại, video...) đã khá quen thuộc và phổ biến với Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, Wechat. Tuy nhiên, thực chất, thị trường chỉ còn là cuộc đua song mã giữa Viber và Zalo, một OTT nội và ngoại.

Những ngày đầu tháng 7/2015, đại diện Viber Việt Nam bất ngờ tuyên bố, hãng sẽ đóng văn phòng đại diện Viber tại Việt Nam để chuyển đến trụ sở chung cho khu vực đặt tại Philippines.

Trụ sở mới của Viber tại Philippines sẽ chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động marketing của Viber tại các nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Viber Đông Nam Á dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 8/2015. Khi đó, văn phòng Viber tại Việt Nam sẽ chính thức đóng cửa.

Chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 1/2014, Viber công bố hiện có khoảng 23 triệu người dùng. Theo bà Quỳnh Anh, tính đến đầu năm 2015, ứng dụng này chiếm 60% thị phần tại Việt Nam. "Viber thống kê thành viên dựa trên các hoạt động thực của họ trong tháng, chứ không đơn thuần chỉ đếm số lượng người đăng ký tài khoản", bà chia sẻ.

Lý giải về việc ngừng hoạt động văn phòng, đại diện của Viber Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã hoàn tất sứ mệnh đặt nền móng cho Viber trên thị trường OTT Việt Nam. Bản thân OTT là một nền tảng kết nối đa quốc gia chứ không chỉ mang ý nghĩa đối với từng quốc gia đơn lẻ".

Mặc dù theo chia sẻ của lãnh đạo Viber Việt Nam thì việc đóng cửa là “một bước tiến mới”. Tuy nhiên, việc đóng cửa này còn được nhìn nhận theo một diễn biến khác.

“Né” quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông?

Một số chuyên gia công nghệ cho rằng, việc Viber đóng cửa văn phòng Viber tại Việt Nam có thể còn để “né” quy định trong dự thảo Thông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo và đang lấy ý kiến góp ý của xã hội, sau đó sẽ ban hành.

Cụ thể, theo dự thảo này thì nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (OTT) nước ngoài có thu giá cước không đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.

Nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.

Với quy định này, Viber được cho là bị tác động mạnh nhất vì cung cấp loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet cả miễn phí và thu phí (Viber Out). Và với điều khoản như trong dự thảo, Viber buộc phải hợp tác với một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam nào đó thì mới được cung cấp dịch vụ Viber Out tại Việt Nam.

Môi trường cạnh tranh khốc liệt

Các chuyên gia viễn thông cho rằng đằng sau bước đi nêu trên là việc Viber không còn xác định Việt Nam là một thị trường "màu mỡ" như họ từng đánh giá với quy mô dân số hơn 90 triệu người.

Trước đó, Viber cùng nhiều OTT khác từng khiến các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam "ăn không ngon, ngủ không yên" khi các tin nhắn miễn phí (gồm cả tin nhắn thoại) dần lấy đi doanh thu của họ. Năm 2013, nguồn thu từ dịch vụ thoại của các nhà mạng giảm 3-4% trong khi con số tương ứng với SMS là 10-12%.

Ở giai đoạn mới bùng nổ đó, các doanh nghiệp OTT đã bày tỏ về việc muốn bắt tay với các nhà mạng để chia sẻ lợi nhuận. Tuy nhiên, khi lợi ích không được dung hòa giữa 2 bên thì phương án hợp tác bị các nhà mạng gạch bỏ.

Sau một thời gian dài giằng co giữa bài toán hợp tác hay không với các nhà phát triển những ứng dụng OTT, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone hay MobiFone đều tuyên bố sẽ cho ra đời những sản phẩm OTT mang tên tuổi riêng mình. Gần đây nhất, 2 trong 3 nhà mạng đã làm được điều đó, tên tuổi còn lại cũng hứa hẹn sẽ sớm ra mắt ứng dụng của mình.

Đại diện các hãng công nghệ cũng như nhà mạng đều cho biết mục đích ra đời OTT riêng đều hướng tới tận dụng ưu thế riêng trên thị trường nội địa của mỗi đơn vị. Chẳng hạn Mocha có lợi thế lớn khi sở hữu tập khách hàng 55,5 triệu thuê bao của Viettel, trong khi VietTalk cũng có khoảng 26 triệu. Còn với BTalk, lợi thế mà hãng công nghệ Bkav xác định là việc ra đời cùng thời điểm với sản phẩm smartphone của đơn vị này, giúp hỗ trợ tương tác giữa phần mềm và phần cứng...

Đây có thể là lý do khiến Viber nhận thấy rằng việc bắt tay với các nhà mạng trong thời gian tới sẽ không khả thi. Trong khi đó, doanh thu, lợi nhuận vẫn luôn là một bài toán khó đối với các ứng dụng OTT.

Tính năng Viber Out cho phép thực hiện cuộc gọi từ smartphone tới các thuê bao điện thoại không cài đặt Viber.

Cụ thể là, các ứng dụng OTT tìm kiêm lợi nhuận từ quảng cáo, game, bán vật phẩm, sticker… Đối với Veber, nguồn thu chính trong chiến lược phát triển là từ dịch vụ Viber Out (gọi tới số điện thoại chưa đăng ký Viber). Tuy nhiên, lợi nhuận từ các dịch vụ này còn khá hạn chế do người dùng vẫn có thoái quen “miễn phí”.

Cũng phải nói thêm rằng, Zalo hiện cũng là một trong những ứng dụng đang hút khá nhiều người dùng và chiếm thị phần không nhỏ. Ứng dụng này được đánh giá nhắn tin nhanh, ổn định và thiết kế sản phẩm để chạy tốt trên hạ tầng trong nước (2G-2.5G-3G-4G- Wifi) cũng như phù hợp với các dòng điện thoại thông minh cao cấp lẫn cấp thấp.

Theo tiết lộ mới của Zalo, đơn vị này đã chạm mốc 15 triệu người dùng cùng 185 triệu tin nhắn chia sẻ qua hệ thống mỗi ngày. Điều đó cho thấy, Zalo chính là đối thủ xứng tầm, gây nên những sức ép lớn cho Viber trong việc giành thị phần OTT tại Việt Nam.

Trước mắt, việc Viber chuyển trụ sở khả năng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động cũng như người sử dụng Viber. Do đó, thị phần của Viber tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Có thể, sau sự kiện này, sẽ có nhiều người biết đến, quan tâm và sử dụng Viber nhiều hơn. Tuy nhiên, trong tương lai, khi thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ, cùng với việc thắt chặt quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc Viber có thể “sống khỏe” tại Việt Nam là khá khó khăn./.