19/01/2025 | 13:33 GMT+7, Hà Nội

Vì sao Việt Nam tăng bậc nhiều nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu?

Cập nhật lúc: 14/10/2019, 14:48

Lý giải nguyên nhân nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, do có sự cải thiện nói chung ở nhiều khía cạnh như hạ tầng, con người...

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 3/2019 đạt mức 7,31%, tăng cao hơn qúy 1 và qúy 2. Việc tính toán lại GDP đã đẩy GDP tăng 25%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,85%; Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 9,56%, đóng góp 52,6%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,6%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%. Chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 17,2%.

Trong bảng xếp cạnh tranh toàn cầu chúng ta xuất phát điểm rất thấp, năm nay có tăng hạng nhiều từ 77 lên 67 trong 160 nước. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, chúng ta còn cách khá xa. Điều này cho thấy Việt Nam có sự cải thiện nhưng cần phải tiếp tục cải thiện nhiều hơn nữa, để trở thành điểm đến của các dòng vốn, các nhà kinh doanh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng được 10 bậc, mỗi bậc có bước nhảy cao là do nền kinh tế có sự cải thiện nói chung ở các khía cạnh như hạ tầng, con người... 

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng có những dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng năm nay có thể giảm xuống vào năm sau vì trong những nghành sản xuất chủ lực như ngành công nghiệp chế tạo, tăng trưởng bắt đầu giảm so với năm trước. Ngay cả ngành nông nghiệp cũng không thể kéo dài. Năm nay, dự báo chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng tương đối lạc quan, lạm phát không cao.

“Đầu năm chúng tôi e ngại lạm phát sẽ vượt 4% vì có sự điều chỉnh mạnh về giá điện cũng như sự bất trắc của nền kinh tế thế giới, thế nhưng tới thời điểm hiện tại, khi bước sang quý IV, mà lạm phát chỉ 2,5%. Chúng tôi dự báo từ nay tới cuối năm lạm phát chỉ có thể là dưới 3%. Chúng ta có thể tính đến sự tăng giá đột biến vào dịp cuối năm và Tết”, PGS.TS. Thành nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhịp tăng trưởng từ năm trước với động lực chủ yếu là nguồn vốn FDI vào Việt Nam và trong quá trình sản xuất có sự dịch chuyển. Năm nay nghành khai khoáng dịch chuyển mạnh, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Tình hình hoạt động doanh nghiệp

Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) suy giảm trong quý 3 và kết thúc tại 50,5 điểm vào cuối tháng 9. Trong quý 3, cả nước có 35.316 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 430,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37%. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tiếp tục giảm xuống. Lao động tiếp tục xu hướng chuyển dịch ra khỏi khu vực Nhà nước.

Tiêu dùng - đầu tư

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.634,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 55,4 nghìn tỷ, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2018. Dòng vốn FDI đăng kí mới có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đạt 3,57%.

Cán cân thương mại

Cán cân thương mại hàng hóa trong quý 3 ước tính thặng dư 4,3 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 4,9 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) thặng dư 9,16 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2019 là giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Mỹ tăng 27% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD. Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ trong tương lai gần.

Cán cân ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến quý 3/2019 ước tính đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng chi ngân sách Nhà nước đến hết quý 3/2019 ước tính đạt 1029,95 nghìn tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán năm, tăng 3,8%.

Thị trường tài sản – tài chính tiền tệ

Tỷ giá khá ổn định trong quý 2/2019, chỉ tăng 0,4%. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá biến động rất nhẹ, biên độ giảm giá VND ngày càng thấp đi. Kết thúc quý 3/2019, dự trữ ngoại hối đã tăng vượt ngưỡng 71 tỷ, mua ròng 6 tỷ USD từ cuối quý 1 cho đến nay.

Giá vàng trong nước và thế giới leo cao trước những diễn biến bất ngờ. Nguyên nhân chính cho cuộc leo dốc mạnh của giá vàng là từ ngày 01/9, một loạt các dòng thuế Mỹ áp vào hàng hóa Trung Quốc và ngược lại, Fed 2 lần giảm lãi suất.

Thị trường bất động sản

Tại Hà Nội, trong quý 3/2019, số lượng căn hộ mở bán tăng 8% so với quý trước, nhưng chỉ bằng 41% số lượng của cùng kỳ năm ngoái. Hiện tượng khan hiếm cung văn phòng và căn hộ cũng là vấn đề lớn tại thị trường TP.HCM.

Thị trường vốn và tiền tệ

Lãi suất liên ngân hàng quý 3/2019 nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức hạ lãi suất điều hành. Tăng trưởng cung tiền M2 tại quý 3/2019 ở mức 8,44%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển mạnh mặc dù tiềm ẩn rủi ro.

Thị trường vốn và tiền tệ

Tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13,2%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; nông nghiệp nông thôn tăng 6%.

Việt Nam đứng đầu trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu

Mặc dù, các chỉ số của chúng ta đều tăng, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc nhưng chúng ta vẫn đang ở mức thấp so với các nước ASEAN như Philippin và Brunay. 

Chia sẻ về điều này ông Thành cho rằng: "Trong bảng xếp cạnh tranh toàn cầu chúng ta xuất phát điểm rất thấp, năm nay có tăng hạng nhiều từ 77 lên 67 trong 160 nước. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực chúng ta còn cách khá xa. Điều này cho thấy Việt Nam có sự cải thiện nhưng cần phải tiếp tục cải thiện nhiều hơn nữa, để trở thành điểm đến của các dòng vốn, các nhà kinh doanh.

Chúng ta có những lợi thế về ổn định an ninh chính trị, chúng ta có sự cải thiện trong khía cạnh cải cách nhà nước, việc gia nhập các hiệp định thương mại… nhưng kỹ năng lao động của ta vẫn còn yếu. Những điều này quyết định cho nền kinh tế lâu dài ở Việt Nam”.