19/01/2025 | 07:04 GMT+7, Hà Nội

“Nền kinh tế ban đêm” – Xu hướng kinh tế mới của Việt Nam

Cập nhật lúc: 23/09/2019, 06:00

Khi đường phố lên đèn cũng là lúc “nền kinh tế ban đêm” bắt đầu và nó được dự đoán là nền kinh tế đem lại giá trị lớn cho đất nước trong tương lai.

Thế giới đang phát triển rầm rộ “nền kinh tế ban đêm”

Phố lên đèn là thời điểm nhiều người đổ ra đường vui chơi, mua sắm, giải trí. “Nền kinh tế ban đêm” là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đối với thế giới mô hình này đã được đẩy mạnh, trong đó có Trung Quốc, một số quốc qua Âu, Mỹ…

Phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến là những con phố nổi tiếng của Hà Nội dành cho những ai thích sống về đêm

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm của Trung Quốc mới ban hành.

Nền kinh tế Trung Quốc đã được dự báo là bị tác động mạnh từ các ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động hơn 1 năm về trước. Đó là những hoạt động kinh doanh, dịch vụ sẽ được trợ cấp từ 6h chiều tới 6h sáng rất được chú ý. Do đó, các cửa hàng, các quán ăn ban đêm tại Bắc Kinh cùng nhiều thành phố khác sẽ nhận được nhiều ưu đãi để phát triển hoạt động kinh doanh này.

“Nền kinh tế ban đêm” của nước này phụ thuộc vào hai hoạt động chủ yếu là bán hàng ăn và mua sắm. Bắc Kinh là thành phố đi đầu trong việc "thắp sáng" kinh tế ban đêm bằng nhiều biện pháp thúc đẩy như tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh...

Từ 19/7, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian chạy hai tuyến tàu điện ngầm số 1, 2 vào thứ 6 và thứ 7, trong đó chuyến cuối cùng khởi hành sau 12 giờ đêm. 10 con phố bán hàng ăn đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi 24/7 tại Bắc Kinh sẽ là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp thúc đẩy kinh doanh ban đêm. Theo đó, những con phố hoạt động 12 tiếng về đêm sẽ nhận được trợ cấp hơn 700.000USD dành cho việc phát triển kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể có thể nhận được hơn 70.000USD.

Không chỉ Bắc Kinh, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có kế hoạch đẩy mạnh kinh tế ban đêm như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc... Tháng 5 vừa qua, Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy kinh tế ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h đến 6h.

Không chỉ ở Trung Quốc, một số quốc gia Âu, Mỹ cũng đã phát triển “nền kinh tế ban đêm” như một tiềm năng đáng chú ý, thúc đẩy công ăn việc làm, cũng như là đóng góp thuế. Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền "kinh tế ban đêm" phát triển, đặc biệt là những thành phố được du lịch, du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Geneva, Zurich, London, Manchester, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma…

Như ở thủ đô Luân Đôn vương quốc Anh, nền kinh tế về đêm từ 6h tối tới 6h sáng hôm sau cho thấy Luân Đôn là một thành phố sôi nổi 24h. Một thành phố dành cho tất cả mọi người, một thành phố có tới 2/3 người dân Luân Đôn sẵn sàng ra đường mua sắm, giải trí nên cần đẩy mạnh mục tiêu này.

Nhắc tới “nền kinh tế ban đêm”, chúng ta không thể không kể tới Sydney, Ustraylia. Chính sách của thành phố này là nền kinh tế ban đêm có thể tạo ra mối liên kết trong cộng đồng. Hoạt động mua sắm, giải trí về đêm đem lại doanh thu 3,6 tỷ USD mỗi năm cho Sydney, với gần 5.000 doanh nghiệp tham gia.

Tiền năng phát triển của Việt Nam

Ở Việt Nam từ lâu đã hình thành “nền kinh tế về đêm”. Các phố như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm hay cửa hàng tiện lợi cho phép 65% hộ kinh doanh hoạt động tới 2h sáng. Kinh tế ban đêm đang là thế mạnh mà Việt Nam cần có những chính sách cụ thể để khai thác.

Theo những người bán hàng ở chợ đêm Hà Nội, lượng khách tới thăm quan, mua sắm rất đông và nhộn nhịp

17h - khi mà mọi người sắp hoàn thành một ngày làm việc thì công việc của anh Trần Mạnh Hùng mới bắt đầu tại một quán bar trên quận Hoàn Kiếm. Anh đã làm ở đây được gần 3 năm và thấy giới trẻ rất hào hứng với việc đi chơi đêm.

“Tôi thấy thế hệ trước rất kỵ việc đi chơi đêm, nhưng hiện nay thì không phải vậy. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhiều người chọn đến bar để vui chơi, xả stress, nghe nhạc. Khách đến quán cũng ngày càng tăng và cũng tiêu nhiều tiền hơn”, anh Hùng nói.

Không chỉ có các quán bar, Hà Nội còn nổi tiếng với khu phố ăn đêm Tống Duy Tân, phố tây Tạ Hiện,… Theo chị Đỗ Hồng Vân (Hoàng Mai, Hà Nội), trung bình một tuần chị tới phố Tạ Hiện khoảng 2 lần.

“Tôi khá thích nơi đây, ồn ào, náo nhiệt. Nó mang hơi thở của cuộc sống hiện đại khác hẳn vẻ tĩnh mịch, buồn tẻ của những vùng ven. Tôi nghĩ, Nhà nước nên khuyến khích và phát triển loại hình kinh tế này vì có khi nó còn thu lợi nhiều hơn so với các hoạt động ban ngày”, chị Vân nói.

Còn đối với các chủ hộ kinh doanh tại khu phố này, buôn bán vào ban đêm là nguồn thu nhập chính. Anh Phạm Quốc Đạt, quản lý của một cửa hàng ăn trên phố Lương Ngọc Quyến, Hà Nội cho biết:

“Lượng khách tới đây vào cuối tuần rất đông, khách tới đây ăn, ăn xong lại đi bar, đi bar xong lại quay lại ăn. Khách hàng luôn tập nập ra vào và có tới 80% là giới trẻ. Hầu hết mọi người tới đây rồi thì đều sẽ quay lại nhiều lần khác”.

Theo báo cáo của quận Hoàn Kiếm, với vị trí địa lý tập trung nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều khu di tích như khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn,… quận Hoàn Kiếm có những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy “nền kinh tế ban đêm” nhưng rất cần chính sách cụ thể. Kinh tế ban đêm tập trung đầu tiên vào khu phố cổ, sau đó tới các khu phố cũ. Khi thực hiện thí điểm thì 65% cơ sở có doanh thu tăng trung bình là 30% hàng năm.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng khai thác được hoạt động kinh tế ban đêm. Tại TP.HCM, phố tây Bùi Viện được quy hoạch thành phố đi bộ, khách du lịch rất đông nhưng khách chỉ tới uống bia chứ không có nhiều sản phẩm khác để mua sắm bởi chưa thực sự có một điều đặc biệt nào để níu chân những du khách nước ngoài.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh để thúc đẩy “nền kinh tế ban đêm” cần phải có quy hoạch cụ thể và cần phải có cơ quan chức năng quản lý các hoạt động này.

Chúng ta phải có các quy hoạch, tổ chức khu có thể trở thành “nền kinh tế ban đêm”. Bởi vì hoạt động tự phát như hiện nay làm giảm hiệu quả “nền kinh tế ban đêm”, đồng thời nó cũng gây ra những hệ lụy về mặt xã hội. Đối với “nền kinh tế ban” đêm hiện nay chúng ta vẫn chưa và thiếu những cơ quan công quyền để phục vụ, xử lý những tình huống có thể phát sinh trong hoạt động kinh tế ban đêm. Nên tôi cho rằng, cơ quan công quyền cần có một bộ phận phải hoạt động vào ban đêm”, ông Ánh nói.

Theo chuyên gia, để phát triển "kinh tế ban đêm" một cách hiệu quả, Việt Nam cần phát triển "kinh tế ban đêm" theo trọng điểm (lựa chọn các vùng có điểm du lịch hấp dẫn, dịch vụ tốt, an ninh đảm bảo…), không nên phát triển "kinh tế ban đêm" một cách đại trà.

Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của “nền kinh tế ban đêm” mang lại, nhưng đúng như các chuyên gia đã nói, cần phải có quy hoạch cụ thể, giải pháp đảm bảo an toàn vì còn phải tính tới những mặt trái có thể xuất hiện hoạt động kinh tế này. Đó mới là cách phát triển "nền kinh tế ban đêm" một cách mạnh mẽ nhất.