18/01/2025 | 19:25 GMT+7, Hà Nội

Vì sao Thái Lan làm được chương trình “30 Baht điều trị cho tất cả các bệnh”

Cập nhật lúc: 05/05/2018, 06:29

Ở thời điểm hiện tại, 30 baht Thái có giá trị hơn 20.000 đồng. Còn ở thời điểm khi chương trình “30 Baht điều trị cho tất cả các bệnh” bắt đầu năm 2002, số tiền này có giá trị quy đổi khác nhưng cũng chỉ tương đương 1 USD, tức là rất thấp, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, và mới đây tạp chí nổi tiếng Lancet đã có bài giới thiệu về mô hình bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân tại Thái Lan.

 

Với cách làm theo khẩu hiệu trên, Thái Lan đã không rơi vào tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, sao gần 20 năm triển khai (từ 2002), hiện nay mô hình hình tháp ngược tại Thái Lan đã đảo chiều, các chỉ số sức khoẻ đều cải thiện mặc dù vẫn còn nhiều thách thức khác như phòng chống bệnh không lây, tai nạn giao thông, già hoá dân số,...

Năm 1975, Thái Lan triển khai chương trình chăm sóc y tế miễn phí cho người dân thuộc diện thu nhập thấp (Medical Welfare Scheme: MWS) nếu các hộ gia đình được xác định có thu nhập dưới mức chuẩn của Bộ Y tế Thái Lan (không phải là chuẩn nghèo quốc gia vốn đã quá thấp), còn gọi là chương trình “thu nhập thấp”.

Các hộ gia đình này được cấp thẻ để được chăm sóc y tế miễn phí tại các cơ sở y tế mà không phải đồng chi trả.

Điểm yếu chính của chương trình này là thẻ có thể được phân phối cho các hộ không nghèo, trong khi một số hộ nghèo lại không nhận được. Chương trình này sau đó được mở rộng cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em dưới 12 tuổi.

Chương trình “thu nhập thấp” được phân bổ ngân sách hàng năm từ nguồn thu thuế cho các cơ sở y tế công lập thuộc Bộ Y tế, quy mô phụ thuộc vào số hộ nghèo đã đăng ký trong khu vực. Gói dịch vụ được cung cấp là các dịch vụ ngoại trú, nội trú, và nha khoa và thuốc; không được sử dụng các dịch vụ y tế với chi phí cao.

Năm 1980, Thái Lan bổ sung Chương trình trợ cấp y tế cho người dân là nhân viên làm việc tại các cơ quan nhà nước (Civil Servants Medical Benefits Scheme: CSMBS) và cả những người trong gia đình phụ thuộc vào họ, bao gồm cả cha mẹ, vợ/chồng và trẻ em dưới 18 tuổi.

Với mô hình này, chi phí khám chữa bệnh sẽ được hoàn trả lại để đền bù cho mức lương thấp, ngoài ra nguồn kinh phí trích từ thuế cho mô hình này còn bao gồm cả lương hưu, trợ cấp nhà ở và trợ cấp trẻ em.

Năm 1983, Thái Lan giới thiệu loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện cho người dân thuộc khu vực “phi chính thức” (việc làm không ổn định), Bộ Y tế đã khởi xướng dự án “Thẻ y tế” (Health Card Scheme: HCS), đây là một loại bảo hiểm y tế dựa trên cộng đồng tự nguyện với mức phí bảo hiểm là 500 Baht Thái (tương đương 20 đô la vào thời điểm đó) cho mỗi hộ gia đình có năm thành viên.

Gói lợi ích BHYT tự nguyện này có thể so sánh với gói “thu nhập thấp”. Nhược điểm chính của loại hình BHYT này chính là người tham gia chủ yếu là những người mắc bệnh mãn tính và người sử dụng dịch vụ cao, trong khi các thành viên lành mạnh không mua bảo hiểm.

Năm 1994, để tăng số lượng đăng ký, dự án “Thẻ y tế” đã trở thành một chương trình bảo hiểm tự nguyện được trợ cấp công khai, Bộ Y tế trợ cấp 500 Baht Thái cho mỗi thẻ. Mặc dù nguồn quỹ có được bổ sung, nhưng kế hoạch tài chính cho y tế vẫn không khả thi, vượt quỹ.

Tỷ lệ khám bệnh ở trung tâm y tế ban đầu đã tăng lên

Tỷ lệ khám chữa bệnh ở trung tâm y tế ban đầu đã tăng trưởng ấn tượng từ mức 29% (tương đương 3,5 triệu người) năm 1977 lên 54% (78 triệu người) vào năm 2010.

Năm 1990, Thái Lan giới thiệu loại hình “Bảo hiểm y tế xã hội” cho người dân làm việc ở khu vực tư nhân (Social Security Scheme: SSS), Luật an sinh xã hội quy định bảo hiểm y tế xã hội là một thành phần của một hệ thống an sinh xã hội toàn diện bao gồm cả lương hưu, bồi thường tàn tật và trợ cấp tang lễ. Quỹ BHYT xã hội được hình thành bằng khoản đóng góp ngang bằng của ba bên: từ người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ. Văn phòng An sinh Xã hội, được giao quản lý, thanh toán một lần để mua dịch vụ y tế toàn diện, bao gồm các dịch vụ ngoại trú, nội trú và chi phí cao từ các bệnh viện công và tư.

Điều này đánh dấu phương thức chi trả khoán chi đầu tiên ở Thái Lan, và được các bệnh viện công lập và tư nhân đón nhận và cung cấp chất lượng chăm sóc tốt cho các người tham gia. Loại hình Bảo hiểm y tế xã hội đã tạo nên tiền lệ của mô hình hợp đồng mua dịch vụ y tế, được xây dựng bằng cách áp dụng khoán chi cho chăm sóc ngoại trú và phương thức chi trả theo nhóm bệnh (DRG) đối với chăm sóc nội trú về sau này.

Năm 2001, nhận thấy với các phương pháp tiếp cận theo các nhóm mục tiêu khác nhau đã đưa ra một loạt các thiết kế và phương thức mua gói lợi ích về chăm sóc sức khoẻ, dẫn đến sự thiếu hiệu quả và bất bình đẳng. Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng Thái Lan vẫn còn 30% dân số vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Trước tình hình đó, Thái Lan đã triển khai thí điểm “Đề án bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân” (Universal Health Coverage Scheme: UCS) tại 6 tỉnh vào tháng 4/2001, sau đó đã triển khai trên toàn quốc vào tháng 4/2002.

Người Thái gọi chương trình này là đề án “30 Baht điều trị tất cả các bệnh” (khoảng gần 1 đô-la Mỹ) là số tiền đồng chi trả cho một lần khám, chữa bệnh.

Từ năm 2001, Chính phủ Thái quyết định chỉ tập trung ngân sách cho đề án UCS (gộp cả 2 đề án trợ cấp cho người nghèo và cận nghèo)

Với đề án mới này, tất cả công dân Thái đều có đủ điều kiện tham gia chương trình UCS. Người dân sẽ đăng ký với trung tâm y tế huyện và nhận được một thẻ vàng. Với thẻ này, người dân được chăm sóc miễn phí tại các trạm y tế nơi họ cư trú, và sẽ được giới thiệu đến các bệnh viện tuyến tỉnh khi quá khả năng khám chữa bệnh của trạm. Người dân được hưởng một gói phúc lợi toàn diện tương tự các chương trình bảo hiểm y tế trước đây, về sau sẽ được mở rộng hưởng các các dịch vụ y tế đắt tiền hơn.

Với cách làm này, Thái Lan đã bao phủ được 98% dân số được chăm sóc sức khoẻ, nhiều chỉ số sức khoẻ đã cải thiện rõ rệt kể từ triển khai đề án UCS này. Tổ chức y tế thế giới, Ngân hàng thế giới đều công nhận mô hình hiệu quả của Thái Lan và đã chọn Thái Lan là một trong những quốc gia thành công trong triển khai bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân để giới thiệu trên toàn cầu.

Xét ở góc độ quản lý y tế, Thái Lan đã sử dụng thành công nút điều khiển thứ 1 trong 5 nút điều khiển theo phương pháp cải tổ hệ thống y tế theo mô hình “Flagship Health” của Đại học Harvard, đó là nút điều khiển tài chính y tế.