23/11/2024 | 07:22 GMT+7, Hà Nội

Vì sao tái cơ cấu ngân hàng còn trắc trở?

Cập nhật lúc: 24/06/2019, 04:00

Giải quyết nợ xấu được đánh giá là vấn đề then chốt trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khi quá trình này vẫn còn gặp trở ngại chắc chắn ảnh hưởng đến tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng...

Theo Công ty quản lý tài sản (VAMC), hiện đã có 5 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB và VIB.

Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 5.800 tỷ đồng, cao hơn mức 4.000 tỷ đồng nợ xấu trung bình được xử lý mỗi tháng từ năm 2012 đến năm 2017, là giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

vi sao tai co cau ngan hang con trac tro
Ảnh minh họa

Tuy có tăng về tốc độ xử lý nợ xấu, nhưng trên thực tế, theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp xử lý của nhiều bên liên quan.

Thứ nhất, thị trường mua, bán nợ còn chưa phát triển. Quá trình xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ tham khảo còn khó khăn khi việc định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất, khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức khác nhau. Điều này gây khó khăn cho các bên mua, bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù hợp cho giao dịch mua, bán nợ.

Sau đó, việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp. Tương tự, hiện tại chưa có các hoạt động phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp.

Thứ hai, nhiều đại diện ngân hàng cho biết, kể cả sau khi có Nghị quyết 42, vướng mắc lớn nhất vẫn là thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ). Nếu bên giữ TSBĐ không thiện chí thì ngân hàng không thể nào thu giữ được vì không có chế tài. Bởi khi khách hàng chây ì khiến ngân hàng không thu giữ được tài sản sẽ buộc phải quay lại giải pháp cuối cùng là thi hành án, mất nhiều thời gian và chi phí để thu hồi được nợ.

Bên cạnh đó, một lượng nợ xấu gắn với các đại án, các vụ việc, các đại dự án bị thua lỗ hoặc phá sản vẫn chưa được xử lý. Có những khoản nợ sau khi xử lý xong các thủ tục phát mại thì tài sản thế chấp là nhà xưởng, máy móc, hàng hóa… đã xuống cấp và hao mòn giá trị.

Giải quyết nợ xấu được đánh giá là vấn đề then chốt trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khi quá trình này vẫn còn gặp trở ngại chắc chắn ảnh hưởng đến tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng. Nhất là đối với các ngân hàng yếu kém. Một chuyên gia nhận định, việc xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém gặp nhiều khó khăn là do nhiều yếu tố như: phần lớn tài sản đảm bảo (TSBĐ) cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh; việc phê duyệt phương án tái cơ cấu nhất là đối với các ngân hàng yếu kém còn chậm khiến các nhà đầu tư (NĐT) chưa thực sự mặn mà…

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nêu những khó khăn trong việc thực hiện tái cơ cấu, trong đó có nội dung tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Báo cáo nêu rõ, việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng, việc tìm kiếm NĐT có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các NĐT.

Khó khăn nữa là tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó. Trong khi đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành chủ quản. Đồng thời, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng này.

Với những khó khăn trên, theo các chuyên gia, muốn đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém, không phải một mình NHNN làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều bên. Nhất là quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ của các khoản nợ liên quan đến các vụ án kinh tế cần phối hợp với nhiều cơ quan, các cấp chức năng.

Nguồn: https://tbck.vn/vi-sao-tai-co-cau-ngan-hang-con-trac-tro-40131.html